Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Gần nửa chặng đường của năm 2024 đã qua đi, tình hình giải ngân vốn ĐTC có nhiều tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC dưới mức trung bình của cả nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu được Chính phủ đặt ra-năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt 95%.
Khởi sắc nhưng vẫn chưa như kỳ vọng
Tăng tốc giải ngân nguồn vốn mồi là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo sát sao trong suốt những năm qua và được nhiều địa phương thực hiện rốt ráo. Nhiều tỉnh, thành phố đang như đại công trường với các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là dự án tuyến cao tốc nối liền các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam. Qua 5 tháng của năm 2024, có gần 149.000 tỷ đồng vốn ĐTC được đưa vào nền kinh tế, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao, góp phần quan trọng kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Phân tích bài học thành công trong giải ngân vốn ĐTC đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng: Năm 2024, Thủ tướng đã giao kế hoạch ĐTC vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 663.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu giải ngân 95% số này. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã có rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế và đặc biệt là có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng. Đến nay, Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn ĐTC do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng nhằm triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy ĐTC. Song, giải pháp quan trọng nhất chính là sự tự giác, quyết liệt trong tổ chức triển khai thi công các công trình của các đơn vị; các bộ, ngành, địa phương.
Mặc dù có nhiều cải thiện, song thực tế, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC dưới mức trung bình của cả nước, tạo áp lực giải ngân vốn cho những tháng cuối năm. Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT và các cơ quan chức năng, tình trạng chậm giải ngân vốn ĐTC có nhiều nguyên nhân cả về khách quan lẫn chủ quan, như những bất cập trong cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng; biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Điều chuyển cán bộ sợ trách nhiệm, gây ách tắc giải ngân vốn đầu tư công
Cứ một đồng vốn ĐTC được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; mức tăng 1% trong giải ngân vốn ĐTC tương ứng với mức tăng 0,058% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Con số này được Bộ KH-ĐT và các chuyên gia kinh tế đưa ra, cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ĐTC vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân vốn ĐTC chậm. Do vậy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án ĐTC; xử lý các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân vốn ĐTC; xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Riêng 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, Bộ KH-ĐT đề nghị kiên quyết thực hiện việc điều chuyển đối với những cán bộ trì trệ, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn ĐTC.
Trước thực trạng giải ngân ì ạch tại một số địa phương, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để bảo đảm đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính trước ngày 30-6-2024 để phối hợp thực hiện...
Ý kiến ()