Thực thi đồng bộ Luật Tài nguyên nước 2023
Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật Tài nguyên nước 2023) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước của Việt Nam.
Để Luật Tài nguyên nước 2023 được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Nghị định, Thông tư; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản dưới luật đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.
Thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng
Với 10 chương và 86 điều, Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Bốn nhóm chính sách này được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trong Luật.
So với Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng, đột phá hướng tới tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Theo Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Ngô Mạnh Hà, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật Tài nguyên nước 2023 là phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu. Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.
Giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Đáng chú ý, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước. Luật đã bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên “làm sống” lại các dòng sông...
Ngoài những điểm nổi bật nêu trên, Luật Tài nguyên nước 2023 còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, như: Quy định về việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất; quy định về phân vùng chức năng nguồn nước; quy định về phòng chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ; quy định cụ thể về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; quy định về khai thác, sử dụng nước.
Sớm đưa Luật vào cuộc sống
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Ngay sau khi Luật được ban hành, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Các Nghị định, Thông tư nêu trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 được xây dựng trên các nguyên tắc, yêu cầu như: Bảo đảm hướng dẫn đầy đủ, đúng tinh thần của Luật đối với từng nội dung chính sách; bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan và thi hành ngay sau khi Luật có hiệu lực; kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2012, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập, bảo đảm tổng thể, toàn diện và sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai thi hành các chính sách, tránh chồng chéo, xung đột trong quá trình thực thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước...
Để bảo đảm Luật Tài nguyên nước 2023 sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền về luật này và nội dung các Nghị định, Thông tư nhằm chỉ rõ những điểm mới, trách nhiệm thực thi của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên nước.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1661/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, trong đó phân công, yêu cầu các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật về tài nguyên nước; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật. Trước mắt, sẽ tiến hành điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần khắc phục để trình bộ trưởng phê duyệt sớm nhất...
Ý kiến ()