Thực thi bản quyền trên môi trường số
Môi trường số mở ra nhiều cơ hội sáng tạo, lưu giữ và khai thác đối với tác phẩm/sản phẩm nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả đối tượng sáng tạo nội dung và cơ quan quản lý, nhất là việc thực thi về bản quyền tác giả.
Điều đáng lo ngại là vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng tăng. Tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức từ 17/6 đến 21/6 với sự tham dự của các đại biểu, đại diện đến từ 15 quốc gia trên thế giới và các chuyên gia quốc tế, nhiều chuyên đề đã được thảo luận sôi nổi.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh: Việt Nam đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đậm đà bản sắc. Để làm điều này, mỗi chủ thể, tổ chức, quốc gia… cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời để bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số.
Việt Nam có lợi thế là đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm từ năm 2022. Điều này đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các tác phẩm, quyền tác giả một cách minh bạch, hiệu quả, nhất là trên môi trường số. Ngoài ra, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng cường năng lực quản lý và thực thi bảo hộ bản quyền, phát triển công nghiệp văn hóa… cũng đã được Nhà nước xác định rõ tại Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030.
Theo bà Soyeong Ahn, Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc), bản quyền có đóng góp lớn vào nền kinh tế thế giới. Cụ thể, tỷ trọng bản quyền chiếm 7,42% GDP ở các nước phát triển; ở các nước đang phát triển là 4,6%. Bản quyền đem lại cơ hội việc làm là 6,94% ở các nước phát triển và 4,56% ở các nước đang phát triển. Tại Hàn Quốc, doanh thu các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền cốt lõi của Hàn Quốc giai đoạn 2017-2021 tăng từ gần 167 triệu won (năm 2017) lên xấp xỉ 263 triệu won (năm 2021). Nếu như năm 2018, doanh thu của các ngành công nghiệp sáng tạo nội dung ở Hàn Quốc đạt gần 90 triệu USD thì đến năm 2022, con số này tăng lên hơn 110 triệu USD.
Hiện tại, với công nghệ kỹ thuật số, người dùng bất hợp pháp có thể truyền phát cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng bất hợp pháp theo.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số chủ yếu thể hiện ở hai phương thức: Nhà điều hành các trang web bất hợp pháp và người dùng bất hợp pháp. Nhà điều hành bất hợp pháp có cách thức hoạt động và hệ thống hiện đại, sử dụng máy chủ ở nước ngoài, áp dụng công nghệ số hiện đại nên khó chặn và theo dõi các trang web bất hợp pháp. Người dùng bất hợp pháp trước đây thường tải nội dung để sở hữu riêng hoặc chia sẻ với gia đình, bạn bè.
Hiện tại, với công nghệ kỹ thuật số, người dùng bất hợp pháp có thể truyền phát cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng bất hợp pháp theo. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo AI sẽ là thách thức đối với các vấn đề liên quan đến bản quyền và đưa ra cảnh báo: Đã đến lúc xác định các vấn đề và làm rõ khuôn khổ pháp lý để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI.
Phía Việt Nam, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp. Một số hiện tượng, vấn đề đang ở mức báo động, gồm: Người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau; công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng; quản lý, thực thi, phòng, chống xâm phạm bản quyền chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới… Việt Nam cũng gặp khó khăn trong xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, nhất là các trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Một số giải pháp mang tính nền tảng nhằm thực thi bản quyền đã được đưa ra như: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò, tính chủ động của các hội/hiệp hội/tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; cần có các chính sách tổng thể để tạo thị trường, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã có những sáng kiến nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền.
Thí dụ, Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào xóa bỏ việc phân phối bất hợp pháp nội dung thông qua các chiến lược: Tốc độ nhanh và nghiêm ngặt với nhiệm vụ chặn tốc độ của các trang web phát trực tuyến bất hợp pháp; mở rộng điều tra khoa học và tập trung vào nâng cao nhận thức. Từ chính sách này, tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc liên tục giảm, từ 22% năm 2019 xuống còn dưới 19,2% năm 2023; tỷ lệ nhận thức về bản quyền trong giới trẻ năm 2013 đạt 74,1% và 2023 tăng lên 82,6%.
Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số đã tạo diễn đàn, mang đến nhiều mô hình mới giúp Việt Nam có thể cập nhật thêm tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, nhất là trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực. Điểm nhấn là hội nghị xác định được các xu hướng xây dựng chính sách, các giải pháp về công nghệ để đối phó với xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai nhiều chương trình hợp tác trong hoạt động quản lý và thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.
Ý kiến ()