Thực phẩm an toàn khởi đầu cho dinh dưỡng
LSO - Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe. Theo thống kê của ngành y tế, hàng năm nước ta có khoảng 200.000 người bị ung thư, khoảng 1/3 số đó được chẩn đoán mắc bệnh do những nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thực phẩm độc hại. Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong năm 2011, cả nước xảy ra 148 vụ ngộ độc thực phẩm, 4.700 người mắc, 27 người tử vong. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2012 có 49 vụ, 1.711 người mắc, 13 người tử vong. Sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng như : sữa nhiễm melamine, thạch rau câu có chứa chất tạo đục, rau quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt có chất tạo nạc, thực phẩm có chất phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định… Đó là thực tế đáng lo ngại, xâm hại an toàn sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Do sức đề kháng thấp, thể trọng thấp nên trẻ em có nguy...
LSO – Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe. Theo thống kê của ngành y tế, hàng năm nước ta có khoảng 200.000 người bị ung thư, khoảng 1/3 số đó được chẩn đoán mắc bệnh do những nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thực phẩm độc hại. Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong năm 2011, cả nước xảy ra 148 vụ ngộ độc thực phẩm, 4.700 người mắc, 27 người tử vong. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2012 có 49 vụ, 1.711 người mắc, 13 người tử vong. Sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng như : sữa nhiễm melamine, thạch rau câu có chứa chất tạo đục, rau quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt có chất tạo nạc, thực phẩm có chất phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định… Đó là thực tế đáng lo ngại, xâm hại an toàn sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Do sức đề kháng thấp, thể trọng thấp nên trẻ em có nguy cơ nhiễm độc cao hơn và mức độ nhiễm độc nguy hiểm hơn so với người lớn nếu phải dùng thực phẩm không an toàn. Để có thể chăm sóc dinh dưỡng tốt thì cần phải có thực phẩm an toàn và đó là điều mà không ít người trăn trở. Chị Phan Thị Ngọc ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Tôi luôn lo lắng trong việc chọn mua thực phẩm để chế biến thức ăn cho con, mua thịt lợn, mua cá nước ngọt thì tôi lo có thuốc tăng trọng, mua cá biển thì tôi lo cá có ướp u rê để bảo quản, mua tôm, cua, ốc thì tôi lo chúng được nuôi ở nơi nguồn nước bị ô nhiễm”. Anh Hoàng Điệp ở Khu đô thị Phú Lộc 4 tâm sự: “Thỉnh thoảng tôi phải đi chợ mua thực phẩm, tôi đều vào siêu thị để mua rau, tôi nghĩ rau ở đó mới an toàn, may mà từ nhà tôi đến siêu thị không xa lắm”…
Rau cải ngồng một loại rau đặc sản xứ Lạng
Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Như vậy, có thể thấy rằng trong công tác thực hành dinh dưỡng thì vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được mọi người quan tâm. Theo báo cáo của Sở Y tế, tháng 9 vừa qua, tại trường mầm non xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm lớn, 103 trẻ phải nhập viện do nhiễm khuẩn E.coli trong thực phẩm. Ngoài ra, tại bản Pe, xã Yên Lỗ huyện Bình Gia đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm làm 6 người phải nhập viện, nghi là do ăn phải nấm độc. Mặc dù được cấp cứu kịp thời, không có tử vong, song qua những vụ ngộ độc trên chúng ta thấy với việc chăm sóc dinh dưỡng thì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần được hết sức chú trọng.
Để xác định chất độc hại trong thực phẩm, các cơ quan quản lý thực phẩm phải dùng các kit thử, tức là dùng một loại thuốc thử có hiển thị màu sắc trên thực phẩm và xác định sự hiện diện của chất gây độc hại bằng sự thay đổi màu sắc của thuốc thử. Các thuốc thử này còn hạn chế ở nước ta và thực phẩm không an toàn là điều mà các cơ quan chức năng không thể nào kiểm soát hết được. Do vậy, để có thực phẩm “tương đối” an toàn, các bác sỹ khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn thực phẩm từ những nguồn cung cấp an toàn, nếu tự nuôi, trồng được là tốt nhất. Khi mua thịt, trứng, cần chọn loại đã qua kiểm dịch, mua cá, tôm thì chọn những con còn tươi sống, mua rau thì chọn ở những cửa hàng rau sạch hoặc rau trong siêu thị…Thực phẩm càng tươi, mới thì hàm lượng dinh dưỡng càng cao. Trong khi chế biến cần loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm dập, nát, ngâm, rửa kỹ, nấu chín hoàn toàn. Thực phẩm bị mốc tuyệt đối không sử dụng. Trong bữa ăn nên có nhiều món ăn để mỗi món chỉ ăn một số lượng ít. Với những thực phẩm chế biến sẵn thì phải còn nguyên bao bì, nhãn mác, không móp méo, có đầy đủ thông tin về thành phần, nguồn gốc, thời hạn sử dụng, cách bảo quản, tên nhà sản xuất. Cần biết cách chế biến để đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh và không bị hao hụt chất dinh dưỡng. Những nơi có bếp ăn tập thể cần chú trọng lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm, nguồn nước sạch, tuân thủ quy trình chế biến thức ăn an toàn, thiết kế bếp ăn theo quy trình một chiều, có đường vào và ra riêng của thực phẩm để tránh nguy cơ thực phẩm ô nhiễm chéo. Trước và sau khi chế biến, sau khi ăn cần phải vệ sinh sạch sẽ tất cả các dụng cụ chế biến cũng như khu vực nhà bếp. Đối với trái cây thì tốt nhất nên ăn trái cây theo mùa, chọn các loại có vỏ, cuống quả không bị đọng phấn lạ, không có mùi hắc và hôi do dư lượng của thuốc trừ sâu. Đối với đồ uống thì an toàn nhất là đồ uống chế biến tại nhà, các loại nước ép trái cây tươi, sữa chua, sữa đậu nành tự làm đúng cách sẽ an toàn và giàu dinh dưỡng hơn các loại đồ uống đóng chai, đóng hộp vì càng để lâu, thực phẩm càng có nguy cơ hao hụt dinh dưỡng và mất an toàn.
“Tích cực tạo ra và sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho mọi gia đình” là chủ đề của Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển toàn quốc năm nay. Hy vọng rằng với sự tăng cường ý thức trách nhiệm của cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu sản xuất, bảo quản đến tiêu thụ, chế biến, sử dụng, mỗi chúng ta sẽ được chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn, nhờ đó mà chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.
Minh Thúy
Ý kiến ()