Thực hiện tốt công tác chính sách, góp phần bảo đảm toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn bám sát thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình nhiệm vụ quân đội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chủ động tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác chính sách (CTCS) nói chung, trong đó đặc biệt là CTCS đối với quân đội và hậu phương quân đội (HPQĐ), góp phần bảo đảm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn 2016-2020, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Chỉ thị số 368-CT/QUTW ngày 12-6-2016 của Thường vụ QUTƯ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CTCS đối với quân đội và HPQĐ, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện CTCS nghiêm túc, đạt kết quả thiết thực. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc QUTƯ đã tập trung xây dựng văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp mình nhằm cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp thực hiện các nội dung CTCS phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ; xác định đây là một mặt quan trọng của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, đối tượng chính sách và nhân dân; bảo đảm cho cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm; bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ quân đội, tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với lực lượng tại ngũ, dân quân tự vệ, dự bị động viên và chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc; trong đó, đã chú trọng nghiên cứu, đề xuất chế độ tiền lương, phụ cấp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa XII); chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 28-NQ/TW (khóa XII); chế độ, chính sách đối với lực lượng mới, nhiệm vụ đặc thù; lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, quốc tế; từng bước hoàn thiện các chính sách, bảo đảm đồng bộ, toàn diện…
Thượng tướng Võ Minh Lương làm việc với Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị. Ảnh: DUY THÀNH |
Thực hiện tốt chính sách khen thưởng cả thường xuyên, đột xuất; việc đề bạt phong, thăng, phiên quân hàm, nâng lương, chuyển nhóm lương, nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ đối với sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ được thực hiện bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đúng quy trình, tiêu chuẩn theo quy định; công tác an điều dưỡng đối với cán bộ tại chức được thực hiện nền nếp, chất lượng ngày càng nâng lên. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe đối với lực lượng tại ngũ, thôi phục vụ tại ngũ, đối tượng chính sách và nhân dân.
Toàn quân chăm lo và thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách HPQĐ. Các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ được ban hành ngày càng hoàn thiện và tổ chức thực hiện chu đáo, kịp thời, như: Chính sách nhà ở; việc cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ các cặp vợ chồng quân nhân bị hiếm muộn…; thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đối với quân nhân xuất ngũ.
Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng; phối hợp nghiên cứu, đề xuất Ban Bí thư (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng; phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng. Nghiên cứu, xây dựng Đề án xác nhận, giải quyết chính sách đối với quân nhân mất tin, mất tích sau các cuộc chiến tranh. Quan tâm, thực hiện chu đáo các chính sách đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tích cực giải quyết tồn đọng chính sách sau các cuộc chiến tranh (giai đoạn 2016-2020, xác nhận thương binh 6.303 trường hợp, bệnh binh 410 trường hợp, liệt sĩ 470 trường hợp…). Giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cả ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, công khai, được đối tượng chính sách và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Toàn quân thực hiện tốt Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện, với nhiều hoạt động thiết thực, như: Hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (toàn quân nhận phụng dưỡng 2.867 mẹ); xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây tặng 4.334 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách và NCC với cách mạng… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách và NCC với cách mạng; củng cố thêm niềm tin của nhân dân, của đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập HCLS từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập HCLS từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; triển khai rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập HCLS; đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, quy tập HCLS ở trong nước và ở Lào, Campuchia, trọng tâm địa bàn trong nước; xây dựng quy trình xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin; sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS. Kết quả, từ năm 2015 đến nay tìm kiếm, quy tập được 8.119 HCLS (trong nước 3.616; Lào 1.167; Campuchia 3.336).
Những kết quả đạt được về thực hiện CTCS của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân trong những năm qua, cũng như giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa chính trị-xã hội vô cùng sâu sắc; củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường động lực chính trị, tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Để thực hiện tốt CTCS đối với quân đội và HPQĐ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29-12-2020 của Thường vụ QUTƯ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CTCS đối với quân đội và HPQĐ, giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu kỹ, quán triệt sâu sắc để bảo đảm các chế độ, chính sách được ban hành luôn luôn đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp với tình hình nhiệm vụ của quân đội.
Hai là, tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu đề xuất, đồng thời coi trọng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, chủ động nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quân đội và HPQĐ. Trọng tâm là nghiên cứu và triển khai thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chính sách phục vụ chủ trương xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, quốc tế…
Ba là, phát huy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách HPQĐ. Kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ và những trường hợp hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Bốn là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng và Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; tăng cường phối hợp, chủ động rà soát, xác minh hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập HCLS và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin. Thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTCS ở các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học (trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin) trong các hoạt động CTCS.
Quán triệt và thực hiện tốt CTCS đối với quân đội và HPQĐ chính là thể hiện bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó cũng chính là một trong những cơ sở để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()