Thực hiện tốt chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về công tác dân tộc
Cách đây tròn 65 năm, sau KHI Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam Á ra đời, ngày 3-5-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 tổ chức Bộ Nội vụ gồm cơ quan Văn phòng và sáu nha, trong đó có "Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ: Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam". Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất và cũng là văn bản đầu tiên thành lập cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc của Chính phủ.Chiểu theo Sắc lệnh số 58, ngày 9-9-1946, Bộ trưởng Nội vụ ban hành Nghị định số 359 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Nha Dân tộc thiểu số. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phòng...
Chiểu theo Sắc lệnh số 58, ngày 9-9-1946, Bộ trưởng Nội vụ ban hành Nghị định số 359 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Nha Dân tộc thiểu số. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phòng Quốc dân thiểu số được thành lập, giúp T.Ư Đảng tiếp tục giải quyết vấn đề dân tộc nhằm mục tiêu đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung. Nhờ có chính sách dân tộc đúng đắn, trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Phòng Quốc dân thiểu số ở T.Ư, các Khu ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến các tỉnh có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc tham gia chống âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ địch; tập hợp và huy động hàng vạn người trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia lực lượng vũ trang cách mạng, dân công hỏa tuyến, bảo vệ, xây dựng và mở rộng các vùng căn cứ cách mạng cùng nhân dân cả nước làm nên nhiều chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chấm dứt hàng trăm năm đô hộ của thực dân Pháp.
Năm 1955, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Tiểu ban Dân tộc T.Ư và Ban Dân tộc trực thuộc Thủ tướng Chính phủ được thành lập. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I, Ban Dân tộc được nâng lên thành Ủy ban Dân tộc trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có quyền hạn, trách nhiệm ngang bộ để giúp Chính phủ nghiên cứu và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt.
Đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, trước yêu cầu của cách mạng, nhiệm vụ công tác dân tộc và hệ thống tổ chức làm công tác dân tộc từ T.Ư đến các địa phương có những thay đổi. Ban Dân tộc T.Ư được thành lập để theo dõi mọi vấn đề liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc T.Ư đã cùng các ban, ngành liên quan chuẩn bị nội dung để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 22-11-1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngày 13-3-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 72-QĐ/HĐBT về một số chính sách cụ thể phát triển kinh tế – xã hội miền núi. Đây là hai văn kiện quan trọng mở ra sự đổi mới hoạt động của công tác dân tộc.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc và việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, kinh tế – xã hội vùng dân tộc nói chung và đời sống của nhân dân các dân tộc thiểu số trong cả nước đã có những chuyển biến quan trọng. Các địa phương vùng dân tộc tốc độ tăng trưởng cao, luôn ở mức từ 8 đến 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3 đến 4%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm đường giao thông đến thôn, bản, công trình thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ được xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc và miền núi có nhiều thay đổi quan trọng, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. Mặt bằng dân trí ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi được nâng lên; đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phần lớn các xã, thôn, bản đã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa có các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi. Thực hiện chế độ cử tuyển, hàng chục nghìn con em các dân tộc thiểu số đã được đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng và THCN. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám, chữa bệnh, các huyện có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Bản sắc văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy. Nhiều lễ hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,… Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình đã được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện – văn hóa xã.
Những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước; sự cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn trong thực hiện đường lối chính sách dân tộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc, cùng những đóng góp của đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ T.Ư đến địa phương qua các thời kỳ trong thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng các chủ trương, chính sách dân tộc và quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, với tinh thần tất cả vì sự phát triển ở vùng dân tộc, miền núi, vì sự bình đẳng giữa các dân tộc.
Song, do điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lụt, lũ quét… cùng với những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạch định, tổ chức thực hiện một số chính sách, nên đến nay vùng dân tộc và miền núi nhất là ở khu vực 3 còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, kinh tế – xã hội phát triển chậm; trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn khó khăn thiếu thốn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc nghèo còn cao… Theo đó, tình hình thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, rồi những biến động giá cả đã tác động bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của đồng bào. Mặt khác, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây xung đột quân sự…
Thực tế trên đang đặt ra cho công tác dân tộc và cơ quan công tác dân tộc vừa phải đi vào giải quyết những vấn đề cơ bản lâu dài, vừa tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, tình thế nảy sinh trong quá trình phát triển. Phải quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa những quan điểm của Đảng về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời đi sâu điều tra, nghiên cứu thực tế nhiều đặc thù của vùng dân tộc, miền núi và của các dân tộc thiểu số, tìm ra những ngăn trở ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của các dân tộc, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cùng những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Từ đó, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành những chính sách, chương trình, dự án thiết thực, phù hợp với thực tế ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân tộc trong giai đoạn mới, bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc; góp phần xứng đáng vào sự phát triển đi lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()