Thực hiện tốt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong ba đơn vị có số thu lớn nhất các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngày 17-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020". Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động của ngành thuế trong mười năm, có tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế và đời sống của các tầng lớp dân cư.Kết quả thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 được triển khai trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động không thuận lợi do ảnh hưởng tiêu cực của hai cuộc suy thoái kinh tế khu vực và toàn cầu, những thách thức khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tác hại của biến đổi khí hậu, sự biến động bất lợi của giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới, các loại dịch bệnh và thiên tai liên tục xảy ra trong phạm vi...
|
Kết quả thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010
Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 được triển khai trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động không thuận lợi do ảnh hưởng tiêu cực của hai cuộc suy thoái kinh tế khu vực và toàn cầu, những thách thức khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tác hại của biến đổi khí hậu, sự biến động bất lợi của giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới, các loại dịch bệnh và thiên tai liên tục xảy ra trong phạm vi cả nước… Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, sự tuyên truyền tích cực, hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng; sự nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế của đại bộ phận các tổ chức, cá nhân; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức ngành thuế, sau năm năm thực hiện, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng cho ngành thuế thực hiện cải cách hệ thống thuế trong giai đoạn mới.
Những thành tựu nổi bật của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 cụ thể như sau:
Về chính sách thuế: Đến năm 2010 đã ban hành được một hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, bao quát hầu hết các nguồn thu, thật sự trở thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, điều tiết vĩ mô nền kinh tế theo hướng khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì thế, từ tháng 3-2011 ngành tài chính có điều kiện triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thông qua hàng loạt giải pháp thích hợp về các sắc thuế và phí trong các lĩnh vực tiêu thụ hàng hóa, xuất nhập khẩu, sản xuất và dịch vụ.
Hệ thống chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung kịp thời đã góp phần bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng khá, bình quân 7% năm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Quy mô thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2006-2010 tăng gấp hai lần so giai đoạn 2001-2005. Tỷ lệ động viên thu NSNN bình quân đạt 23% GDP, so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đặt ra là 21-22% GDP, trong đó động viên từ thuế và phí bình quân đạt 22% GDP so với mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống đến năm 2010 đặt ra là 20-21% GDP. Tốc độ tăng thu từ thuế, phí và lệ phí vào NSNN bình quân hằng năm đạt 19,6%. Cơ cấu thu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, bảo đảm tính ổn định, bền vững, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh trong nước tăng dần qua các năm và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN, năm 2006 tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) trong tổng thu NSNN là 52% thì đến năm 2010 đã tăng lên 63,4%.
Về quản lý thuế: Công tác quản lý thuế đã được hiện đại hóa toàn diện cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy cơ quan thuế, đội ngũ cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bao quát được các nguồn thu, giảm thất thu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu vào NSNN. Đồng thời kiểm soát được các hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế (NNT) cũng được nâng cao hơn qua thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất kinh doanh tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thông qua việc thực hiện mười chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thuế đã tạo thuận lợi hơn cho cơ quan thuế trong thực thi nhiệm vụ và NNT tự thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong xây dựng thể chế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế.
Cụ thể: Về phía cơ quan thuế, công tác quản lý thuế ngày càng được chú trọng, vị thế của cơ quan thuế trong hệ thống cơ quan công quyền của Nhà nước được nâng cao. Luật Quản lý thuế tạo điều kiện để cơ quan thuế các cấp chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình tổ chức quản lý thuế chủ yếu theo chức năng, chuyên sâu, chuyên môn hóa, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất tại ba cấp quản lý, trong đó Tổng cục Thuế giữ vai trò chủ đạo. Về phía cộng đồng người nộp thuế: NNT nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan thuế trong việc thực hiện pháp luật thuế và thủ tục hành chính thuế. Chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế được công khai, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian và chi phí; đồng thời, kiểm soát việc thực thi theo đúng quy định, trình tự, tránh sự tùy tiện gây phiền hà cho NNT.
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, nhưng những kết quả, thành tựu đã đạt được của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 một lần nữa khẳng định cải cách là con đường tất yếu để xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, tiên tiến, hiện đại.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020
Nội dung Chiến lược được xây dựng trên cơ sở bám sát định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 của Đảng, Nhà nước và những phân tích, nhận định về bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; kế thừa những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010; tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, sự tham vấn của chuyên gia quốc tế cũng như ý kiến đóng góp của toàn ngành thuế, các vụ, đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu tổng quát mà Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 cần phải đạt được (về chính sách thuế và quản lý thuế) là: Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của Đảng, Nhà nước; xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế và phí, lệ phí thống nhất, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính và hiện đại, có tính liên kết tích hợp, tự động hóa cao.
Để đạt được mục tiêu quan trọng trên, chiến lược đã đề ra những nội dung trọng tâm, mấu chốt về cải cách chính sách thuế và quản lý thuế giai đoạn 2011-2020 là:
Về chính sách thuế: Sửa đổi, bổ sung các sắc thuế nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo hướng đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mức huy động hợp lý để thúc đẩy phát triển nhanh sức sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, khả năng tích tụ của doanh nghiệp; bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của NSNN và chủ động hội nhập quốc tế. Hệ thống chính sách thuế phải tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính thuế theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế của Nhà nước, vừa không gây phiền hà, tốn kém cho cả tổ chức, cá nhân nộp thuế và cơ quan thuế.
Theo đó, hầu hết các sắc thuế đều được sửa đổi, bổ sung và để chính sách đi vào cuộc sống, ngành thuế rất cần sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí. Trước mắt, giai đoạn 2011-2015 tập trung tuyên truyền phổ biến các nội dung sửa đổi, bổ sung của một số Luật thuế chính theo lộ trình như sau: Năm 2012 tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Năm 2013 tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật phí, lệ phí. Năm 2014 tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Năm 2015 tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tài nguyên.
Giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá việc thi hành các Luật thuế: Bảo vệ môi trường, Thu nhập cá nhân, Thu nhập doanh nghiệp, Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt và trình Quốc hội ban hành sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn này.
Về quản lý thuế: Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông – Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020. Ngành thuế tập trung vào việc hoàn thiện thể chế thuế, thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế; đồng thời chú trọng xây dựng, hiện đại hóa các nền tảng quản lý thuế, cả về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và cơ sở vật chất kỹ thuật…
Để triển khai thực hiện tốt nội dung Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg của Chính phủ, ngành thuế rất mong nhận được sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành để giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện cải cách hệ thống thuế, hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thuế; bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, góp phần tích cực xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()