Thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. ( Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN) )- Ngày 18-12, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc chuyên đề với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng thương mại, Hiệp hội bất động sản, nhằm đánh giá, thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu.Theo số liệu của Bộ Xây dựng và của UBND thành phố Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản của thành phố trong hai năm qua được đánh giá là lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài, nhiều phân khúc bị đóng băng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, vốn tồn đọng, tác động đến hoạt động các ngành khác như xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... Hiện TP Hồ Chí Minh tồn kho hơn 15 nghìn m2 căn hộ cho thuê; 15 nghìn căn hộ; hơn 300 dự án chậm triển khai hoặc tạm dừng...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. ( Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN) ) |
– Ngày 18-12, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc chuyên đề với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng thương mại, Hiệp hội bất động sản, nhằm đánh giá, thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng và của UBND thành phố Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản của thành phố trong hai năm qua được đánh giá là lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài, nhiều phân khúc bị đóng băng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, vốn tồn đọng, tác động đến hoạt động các ngành khác như xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng… Hiện TP Hồ Chí Minh tồn kho hơn 15 nghìn m2 căn hộ cho thuê; 15 nghìn căn hộ; hơn 300 dự án chậm triển khai hoặc tạm dừng với quy mô hơn 3.100 ha đất, hơn 90 nghìn căn hộ. Dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố khoảng 85 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn bốn nghìn tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo của các bộ, ngành cho rằng, TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều thành phố lớn khác, thị trường bất động sản phát triển tự phát, thiếu quy hoạch; phát triển quá “nóng”, đầu tư bất động sản theo phong trào, tâm lý “đám đông”, nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm, yếu về năng lực tài chính cũng tham gia kinh doanh bất động sản; nguồn cung bất động sản vượt quá cầu có khả năng thanh toán của thị trường; cơ cấu hàng hóa bất động sản phát triển mất cân đối; còn thiếu các định chế tài chính để cung cấp nguồn tín dụng bất động sản trung và dài hạn; hệ thống thông tin, thống kê về nhà ở và thị trường bất động sản không đầy đủ;… là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trầm lắng, “đóng băng”, sự sụt giảm ở tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản thời gian qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, đứng trước khó khăn của thị trường bất động sản, năm 2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành lập bốn đoàn khảo sát tình hình thực hiện các dự án bất động sản, trực tiếp làm việc với UBND các quận, huyện, các chủ đầu tư dự án nhằm hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Trước khó khăn của thị trường bất động sản, TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để nghiên cứu toàn diện, vừa giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho người mua nhà ở (hỗ trợ một phần hai lãi suất vay thương mại cho người có thu nhập thấp khi mua nhà lần đầu, hỗ trợ doanh nghiệp để giảm giá bán nhà ở).
UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài chính giãn tiến độ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012, sớm hình thành các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để phát triển các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản và phát triển các công cụ thị trường; kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm hình thành trung tâm thông tin và dự báo thị trường bất động sản của Trung ương, trên cơ sở đó TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác có cơ sở tham khảo dữ liệu đối chiếu và xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản của địa phương… Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không thể dùng giải pháp “phá băng” mà về căn cơ cần từng bước tháo gỡ khó khăn, “làm ấm” dần từng phần thị trường, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đề xuất.
Đại diện cho Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội đề xuất bên cạnh các hình thức sở hữu thông thường cần nghiên cứu, xem xét đến loại hình sở hữu căn hộ có thời hạn nhằm thêm một hình thức lựa chọn cho người tiêu dùng; đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay để tiếp sức cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; có cơ chế ưu đãi và không nên coi doanh nghiệp xây dựng, phát triển nhà ở là doanh nghiệp phi sản xuất bởi xét ở mặt nào đó, các doanh nghiệp này cũng là những doanh nghiệp sản xuất (xây dựng mới các công trình, trực tiếp sử dụng vật liệu xây dựng…).
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chính phủ nhận rõ khó khăn của nền kinh tế, trong đó tập trung vào nợ xấu, hàng tồn kho, ứ đọng bất động sản cần phải tập trung tháo gỡ; chỉ giải quyết được những khó khăn này mới bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Do vậy, việc giải quyết khó khăn thị trường bất động sản phải triển khai đồng bộ, tổng thể gắn với xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp TP Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược, định hướng cụ thể trong công tác quy hoạch về nhà đất, nhất là nhà ở cho sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp… Cùng với đó là rà soát lại các quy định về kinh doanh bất động sản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản để tăng cường kiểm soát việc phát triển đô thị, bất động sản, nhà ở theo quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đáp ứng của nền kinh tế. Thành phố quan tâm xây dựng nhà ở cho người nghèo, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho người có công, công nhân viên chức, nhà ở tái định cư…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp quy hoạch, không phù hợp nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản; hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản; tăng cường hoạt động sàng lọc doanh nghiệp, những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết loại bỏ, không cho tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung xử lý nợ xấu liên quan bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau cuộc làm việc với TP Hồ Chí Minh, ngày 19-12 sẽ làm việc với TP Hà Nội và Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2012 để ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()