Thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới: Chuyện ở Tả Phìn
– Nhân chuyến công tác tại tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 12/2022, chúng tôi có dịp đến xã Tả Phìn, thị xã SaPa. Tại đây, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã. Nhưng ấn tượng và đọng lại sâu đậm nhất đối với đoàn công tác là cách mà người dân trong xã vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Xuất phát điểm thấp
Không phải người bản địa, nhưng anh Đỗ Minh Trí, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn gần như dành cả thanh xuân của mình cho mảnh đất Tả Phìn. Chính vì vậy, từng thôn, bản, ngõ, xóm, từng con đường, từng nét văn hóa đặc trưng, từng mô hình sản xuất của bà con nơi đây… anh thuộc trong lòng bàn tay.
Anh Trí chia sẻ: Xã Tả Phìn cách trung tâm thị xã SaPa khoảng 8 km. Tả Phìn có 709 hộ, 3.840 nhân khẩu tập trung sinh sống ở 6 thôn, bản. Trong đó, chủ yếu là bà con dân tộc Mông và Dao. Từ nhiều năm nay, kinh tế của người dân trong xã chủ yếu phục thuộc vào sản xuất nông nghiệp (chiếm 70% cơ cấu kinh tế), còn lại một phần là thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…
Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ có 8,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tới 87% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 57% và cận nghèo là 30%). Những con số này cũng đủ để hình dung ra sự khó khăn của người dân nơi đây.
Du khách ấn tượng với những cây mai độc, lạ tại Tả Phìn
Thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân ăn còn không đủ nói gì đến việc chung sức xây dựng NTM. Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Minh Trí chia sẻ: Xác định xây dựng NTM nhằm mục đích nâng cao cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, từ năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, với xuất phát điểm thấp như vậy, điều đầu tiên xã nghĩ đến là phải làm cách nào nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách thực chất, bền vững, đưa “cái nghèo” dần lùi xa khỏi mảnh đất Tả Phìn.
Tìm hướng phát triển
Sản xuất nông nghiệp chiếm đến 70% cơ cấu kinh tế, trong đó phần lớn hộ nghèo, cận nghèo lại nằm trong nhóm hộ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn cho biết: Từ thực tiễn điều kiện khí hậu, đất đai, các mô hình sản xuất của người dân trong xã cộng với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt, tiếp cận thị trường, cấp ủy, chính quyền đã có định hướng để người dân tập trung phát triển một số loại hoa, cây cảnh như địa lan, mai, đào, hồng và các loại rau đặc sản. Trong đó chuyển biến rõ nét nhất chính là mô hình trồng địa lan.
Cán bộ Văn phòng Điều phối xây dựng NTM thị xã Sapa giới thiệu mô hình trồng địa lan tại Tả Phìn
Địa lan xuất hiện ở Tả Phìn từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, loại hoa này được trồng phân tán, nhỏ lẻ ở một số hộ, chưa phát triển thành mô hình hàng hóa. Tìm hiểu ở cả trong và ngoài tỉnh, nhu cầu chơi địa lan vào ngày tết của người dân rất lớn, trong khi thị trường đáp ứng chưa đủ. Để nhân rộng mô hình này, xã đã tổ chức đoàn đưa người dân đi học tập kinh nghiệm ở một số địa bàn phát triển mạnh về hoa, cây cảnh ở ngoài tỉnh. Thông qua việc học tập kinh nghiệm giúp người dân nhận thấy được hiệu quả cũng như cách thức triển khai thực hiện mô hình.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã Tả Phìn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn…
Riêng về hỗ trợ nguồn vốn, thay vì hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, xã Tả Phìn cân đối, hỗ trợ cho các hộ có điều kiện kinh tế khá, có khả năng xây dựng mô hình phát triển tốt để từ đó làm điểm giúp các hộ khác học tập làm theo.
Song song với tìm hướng phát triển nông nghiệp, người dân trên địa bàn xã Tả Phìn cũng khai thác lợi thế về du lịch để phát triển mô hình du lịch cộng đồng (chiếm 20% cơ cấu kinh tế) và sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 10% cơ cấu kinh tế) như chế biến các loại thuốc thảo dược, mỹ phẩm, các sản phẩm thêu, may…
Thành quả ngọt ngào
Với sự định hướng, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, quyết tâm vươn lên của người dân, kinh tế của người dân xã Tả Phìn đã có những bước phát triển nhanh chóng.
Người dân Tả Phìn chăm sóc vườn hoa, cây cảnh
Chị Vũ Thị Thảo, thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn cho biết: Từ năm 2010 trở về trước, kinh tế gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chính như lúa, ngô. Từ năm 2011 trở lại đây, sau khi tìm hiểu ở một số nơi cộng với sự tuyên truyền, định hướng của Nhà nước, gia đình tôi đã chuyển sang trồng một số loại hoa, cây cảnh như địa lan, mai, đào. Từ 100 chậu địa lan ban đầu, những năm gần đây, gia đình đã mở rộng diện tích và duy trì trồng 1.000 chậu địa lan, 5.000 cây mai và gần 2.000 cây đào. Các loại hoa, cây cảnh phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên sinh trưởng, phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm doanh thu từ bán địa lan, đào, mai của gia đình được 6-7 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm 2011.
Cùng với gia đình chị Thảo, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Tả Phìn cũng nâng cao thu nhập từ trồng địa lan. Từ chỗ chỉ có một số ít hộ trồng địa lan năm 2011, đến nay, trên địa bàn xã có 587/709 hộ trồng địa lan và Tả Phìn là một trong những vùng trồng địa lan lớn nhất của SaPa. Doanh thu từ bán địa lan của người dân trong xã từ đạt khoảng 60 – 70 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, doanh thu từ các loại hoa, cây cảnh khác cũng như các hoạt động du lịch dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân Tả Phìn.
Từ hướng đi đúng đắn cộng với sự nỗ lực, quyết tâm, cần cù, chịu khó của người dân đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 10%, cận nghèo còn gần 20%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xã Tả Phìn được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Mặc dù xuất phát điểm thấp, song với việc phát huy được tiềm năng, lợi thế, hướng đi phù hợp, kinh tế của người dân Tả Phìn đã được cải thiện rõ rệt. Từ đó vừa tạo điểm nhấn, đồng thời là động lực quan trọng để xã tiếp tục hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhanh chóng, bền vững hơn trong thời gian tới.
Từ câu chuyện tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, giảm nghèo ở Tả Phìn có thể thấy: việc lựa chọn, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có những xã NTM khai thác được tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình trồng na tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng; mô hình trồng bưởi ở xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng; mô hình trồng hồng ở xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng; mô hình du lịch cộng đồng tại xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn… đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, qua đó góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành tiêu chí thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng NTM.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều xã chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế về đồi rừng, đất đai, khí hậu để phát triển mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa hay chưa phát huy được thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng, tiểu thủ công nghiệp… Chính vì vậy, các huyện, xã cần xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh của mình để từ đó lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất phù hợp. Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục có sự định hướng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để tạo động lực, nguồn lực giúp người dân có điều kiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ý kiến ()