Thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Những tín hiệu đáng mừng
– Với mục tiêu hướng tới nền hành chính hiện đại phục vụ người dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Hiện tại, Cổng DVCTT của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 228 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, cung cấp 1.816 DVCTT, trong đó có 368 DVCTT mức độ 2; 397 DVCTT mức độ 3 và 1.051 DVCTT mức độ 4 (đạt 57,24%). Cổng DVCTT của tỉnh thực hiện tích hợp, đồng bộ dữ liệu trên Cổng DVC quốc gia với 1.755 TTHC; cung cấp, công khai 1.273 DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 743.828 hồ sơ TTHC, trong đó có 214.718 hồ sơ trực tuyến, chiếm 28,87%, tăng 25,57% so với năm 2021. Nổi bật, năm 2022, Lạng Sơn là một trong năm tỉnh, thành phố cung cấp DVCTT tốt nhất.
Công chức Bộ phận “một cửa” UBND huyện Bình Gia hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua DVCTT
Chị Lộc Thị Thủy, thôn Kéo Van, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi thấy quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC bây giờ rất hiện đại, tất cả đều có máy móc hỗ trợ. Đầu năm 2022, tôi có đến bộ phận “một cửa” huyện làm thủ tục công chứng giấy tờ cho con đi học, tại đây tôi được công chức hướng dẫn tạo tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến. Kể từ đó, đối với những thủ tục đơn giản, thành phần hồ sơ không phức tạp tôi nộp trực tuyến, đỡ mất công đi lại.
Có được những kết quả như vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch về hoạt động kiểm soát, cải cách TTHC, trong đó yêu cầu tăng cường triển khai DVCTT mức độ 3, mức độ 4, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến (80%) và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến (từ 50% đến 90% đối với các sở, ngành; 50% đối với UBND các huyện, thành phố). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát cải cách TTHC, trong đó bao gồm nội dung thực hiện TTHC qua DVCTT, trong năm 2022, đoàn đã kiểm tra 11 cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn.
Là đơn vị tiếp nhận và trả kết quả lớn nhất của tỉnh, tính đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đang thực hiện giải quyết 1.291 TTHC của 19 cơ quan, đơn vị gồm 16 sở, ban, ngành và 3 cơ quan ngành dọc; 100% TTHC này đã được cung cấp trên cổng DVCTT. Chỉ tính riêng năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận 151.376 hồ sơ TTHC, trong đó, có 106.264 hồ sơ, chiếm 70,2%, tăng 12,48% so với năm 2021; 100% hồ sơ TTHC đã được giải quyết trước và đúng hạn.
Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh cho biết: Chúng tôi trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ công tác, 100% công chức tại quầy tiếp nhận được bố trí đầy đủ máy tính, máy in, máy Scan. Đặc biệt, trung tâm đang vận hành hiệu quả hoạt động của tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT mức độ 3, mức độ 4, gồm 26 thành viên do phó Giám đốc Trung tâm làm tổ trưởng.
Tương tự tại cấp huyện, UBND huyện Văn Quan cũng đã triển khai tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua DVCTT đối với 194 TTHC, trong đó, có 45 TTHC mức độ 3, 149 TTHC mức độ 4. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử đảm bảo đúng quy trình. Chỉ tính riêng năm 2022, cơ quan hành chính các cấp ở huyện đã tiếp nhận 41.513 hồ sơ thì có 17,71% (7.352 hồ sơ) trực tuyến và 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện TTHC qua DVCTT, trong đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn nâng cấp, hoàn thiện cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.
Ý kiến ()