Giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền: Nhanh gọn, hiện đại, hiệu quả
- Những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo, định hướng của trung ương, UBND tỉnh đã đặc biệt, chú trọng công tác cải cách hành chính nói chung và công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt. Thực tế cho thấy, chưa bao giờ việc thực hiện và giải quyết TTHC ở cả ba cấp trên địa bàn tỉnh lại nhanh gọn, hiện đại và hiệu quả như bây giờ, từng bước tạo sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức.
Cùng với cả nước, theo quy định, quy trình giải quyết TTHC tại ba cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh thường trải qua 4 bước chính: tiếp nhận - thẩm định hồ sơ - giải quyết – trả kết quả. Trong đó, giải quyết TTHC là khâu quan trọng nhất. Trước kia, việc giải quyết TTHC tương đối phức tạp, rườm rà, trải qua nhiều khâu, "nhiều cửa", hiện nay, nhờ công cuộc cải cách TTHC đang được triển khai quyết liệt trong toàn tỉnh mà việc này càng ngày đơn giản theo cơ chế "một cửa", đặc biệt, thông tin các thủ tục được minh bạch hóa, tra cứu tiện lợi, quy trình tiếp nhận hiện đại tạo kết quả rõ nét.
Lấy người dân làm trung tâm để phục vụ
Với mục tiêu “lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC”, năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1495/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, đề ra 6 mục tiêu cụ thể và 6 nhiệm vụ cần triển khai. Trong đó, nhấn mạnh để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án cải cách TTHC tỉnh, các cơ quan, đơn vị cần phát huy, nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Huyện Đình Lập là một trong những đơn vị quan tâm, triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC, trong đó vai trò người đứng đầu được phát huy tích cực. Kết quả rõ nét nhất đó là năm 2023, ở bảng xếp hạng UBND cấp huyện về chỉ số cải cách hành chính, Đình Lập bứt phá vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng với 89,01%, tăng 10 bậc so với 2022; tỷ lệ mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện đến nay đã đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn toàn huyện đạt trên 98%. Đặc biệt, đến nay, huyện Đình Lập không có đơn thư kiến nghị, phản ánh về hoạt động của bộ phận “một cửa” hoặc khiếu nại về cán bộ, công chức.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm soát, cải cách TTHC; phân công 1 đồng chí lãnh đạo UBND huyện theo dõi trực tiếp công tác này. Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung về rà soát, cắt giảm thời hạn giải quyết; tiếp nhận, giải quyết các TTHC liên quan mật thiết đến người dân như lĩnh vực tư pháp, đất đai; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến... không để xảy ra chậm hạn hồ sơ, yêu cầu báo cáo hằng tuần về UBND huyện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu xảy ra vi phạm. Đồng thời, yêu cầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, thị trấn phân công trực và ký duyệt hồ sơ TTHC, không để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải chờ đợi lâu.
Song song với đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm niêm yết, công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình đúng quy định về hình thức, số lượng. Hiện toàn tỉnh có 1.806 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó, cấp tỉnh có 1.436 TTHC, cấp huyện có 262 TTHC, cấp xã có 108 TTHC; 100% thủ tục này đã được công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đăng tải kịp thời lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định. Đặc biệt, 100% bộ phận “một cửa” các cấp đã triển khai việc niêm yết, công khai TTHC bằng mã QR-Code tạo thuận lợi trong tra cứu, tìm hiểu cho người dân.
Bà Hoàng Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho rằng: Người dân, tổ chức khi thực hiện nộp hồ sơ TTHC trực tuyến chỉ cần dùng điện thoại thông minh sử dụng ứng dụng camera hoặc ứng dụng Zalo để quét mã QR-Code của tên TTHC. Thực hiện quét mã QR giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu việc đi lại, phát huy hiệu quả, hạn chế số lượng hồ sơ cần bổ sung, xác minh dẫn đến việc giải quyết chậm trễ. Các TTHC được công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức dễ tiếp cận khi giao dịch; nâng chất lượng thực hiện TTHC ngay từ những khâu đầu tiên.
Một trong những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai áp dụng đó là đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm. Tính đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh triển khai cung cấp 1.871 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) (bao gồm cả DVCTT của Công ty Điện lực), trong đó 1.027 DVCTT toàn trình và 516 DVCTT một phần, còn 328 DVC mới chỉ ở mức cung cấp thông tin tra cứu. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 1,8 triệu hồ sơ TTHC, trong đó có hơn 1 triệu hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm trên 56%); 100% hồ sơ TTHC này đã được tiếp nhận, xử lý đúng quy định và trả đúng hạn. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ, vững công nghệ thông tin để tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua DVCTT cho người dân; đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Các thiết bị phụ trợ như máy in, máy photo, máy quét, thiết bị mạng được trang bị cơ bản; 100% cơ quan, đơn vị toàn tỉnh được trang bị đầy đủ máy tính.
Những kết quả tích cực
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và sự nỗ lực, vào cuộc tích cực các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận của người dân khi đến các cơ quan hành chính liên hệ thực hiện các TTHC; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, tính đến năm 2024, tỷ lệ này đã đạt 100%. Đây là điều khích lệ để các cấp, ngành tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định công khai, minh bạch TTHC, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật, kịp thời xử lý các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân.
Những ngày đầu tháng 12/2024, chúng tôi có dịp đến xã Chí Minh, một xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định, 99% dân số của xã là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng đến nay, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến đạt 100%, vượt chỉ tiêu 15%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 57,69%, vượt chỉ tiêu 12,69%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 100%; 98% người dân đánh giá hài lòng khi đến thực hiện TTHC tại bộ phận “một cửa” xã. Đặc biệt, xã Chí Minh là đơn vị duy nhất của huyện Tràng Định được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đẩy mạnh hiện đại hoá bộ phận "một cửa" cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
Ông Hoàng Văn Láu, thôn Pác Bó, xã Chí Minh cho biết: Hiện nay, khi đến trụ sở xã, huyện để làm các TTHC không còn vất vả như trước vì giờ đây quy trình tiếp nhận rất nhanh gọn nhất là với thủ tục về đất đai. Đặc biệt, hiện nay thực hiện các thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến thì tôi thấy càng tiện lợi, chúng tôi được các cán bộ, công chức hướng dẫn lập tài khoản, thực hiện từng bước theo quy trình. Việc giải quyết các thủ tục cũng được thực hiện nhanh gọn, đúng thời hạn trả kết quả.
Không những vậy, việc thực hiện TTHC đã được những kết quả tích cực. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hơn 400.000 hồ sơ TTHC, trong đó tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,8%; Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 54 TTHC (vượt kế hoạch 4 TTHC) với tổng thời gian cắt giảm 561,5/1.659,5 ngày, đạt 33,8%. Cùng với đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định, kết nối thành công đến 42 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trong đó có 24 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; lý lịch tư pháp trực tuyến).
Có thể nhận thấy, việc giải quyết TTHC ở cả ba cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng nhanh gọn, hiện đại, hiệu quả, đóng góp vào kết quả chung công tác cải cách TTHC của tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó, tập trung hoàn thiện hơn nữa các phần mềm, hệ thống thực hiện DVCTT; tăng cường đầu tư, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số.
Ý kiến ()