Thực hiện Thông tư Liên tịch số 34: Hiệu quả của sự phối hợp đồng bộ
LSO-Phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, phối hợp tốt và đồng bộ giữa tuyên truyền giáo dục và xử lý, trong 4 năm qua, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng.
Giờ ngoại khóa ATGT ở Trường Tiểu học Vân Thủy (Chi Lăng) |
Do hầu hết các nhà trường, cơ sở giáo dục đều nằm ở các địa bàn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị ở các địa phương, hoặc ở tại các nơi xa xôi, phức tạp về địa hình, nên công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở trường học được đặt ra một cách cấp thiết ở trong và ngoài nhà trường. Triển khai Thông tư Liên tịch số 34/2009-TTLT-BGDĐT-BCA giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT Về “Hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm ANTT tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”, Kế hoạch số 77 giữa Công an tỉnh và Sở GD&ĐT, căn cứ vào nhiệm vụ chức năng của mình, Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ chiến sĩ nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở trường học; phối hợp tốt với các nhà trường trong tuyên truyền giáo dục pháp luật. Ngành GD&ĐT chủ động xây dựng quy chế phối hợp với lực lượng công an địa phương; tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ giáo viên, HSSV nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT trong nội bộ nhà trường.
Công tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường được đẩy mạnh theo phương thức vừa lồng ghép trong các bộ môn, vừa có các “giờ pháp luật” và tổ chức ngoại khóa cho HSSV, trong đó tập trung vào các vấn đề như ATGT, luật phòng chống ma túy, mại dâm, công tác phòng chống tội phạm, công tác bảo vệ bí mật nhà nước… Xây dựng và duy trì các đội cờ đỏ, đẩy mạnh phong trào tự quản, công tác bảo vệ, phòng chống tội phạm và các hành vi bạo lực trong nhà trường. Điển hình là Trường THPT Việt Bắc đã thành lập và duy trì hoạt động của Ban an ninh trường học nhằm giúp Ban giám hiệu phát hiện những vi phạm và đề xuất giải pháp xử lý. Tuy nguồn ngân sách có hạn, song bằng kênh xã hội hóa, các nhà trường, nhất là các trường có nhiều điểm trường đã duy trì và hợp đồng thêm đội ngũ bảo vệ. Lực lượng công an các địa phương đã tham mưu với các nhà trường xây dựng lực lượng nòng cốt, bồi dưỡng đội ngũ bảo vệ. Đã phối hợp tổ chức được 6 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ với trên 500 người tham gia. Phối hợp xây dựng được 2 mô hình tự quản về an ninh trường học. Trước năm học mới 2013-2014, Công an huyện Hữu Lũng đã phối hợp với phòng GD&ĐT mở lớp tập huấn cho 90 cán bộ bảo vệ trường học, đồng chí Trần Quốc An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết: đây là lực lượng quan trọng bảo vệ an toàn trường lớp học, vì vậy họ cần phải được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên để làm tốt công việc của mình. Do có đội ngũ bảo vệ tốt, nhiệt tình, thực hiện đúng chức trách được giao và có ban an ninh trường học, nên đã giúp lãnh đạo các nhà trường xử lý những hiện tượng tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm đạo đức, những hành vi vi phạm của HSSV; đồng thời kiến nghị với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương có biện pháp quản lý, xử lý tốt các hành vi vi phạm ngoài nhà trường.
Cùng với công tác đảm bảo ANTT xã hội, an toàn giao thông, công an các địa phương đã chủ động phối hợp với các nhà trường tổ chức 124 buổi tuyên truyền về ATGT, phòng chống tội phạm, ma túy, phòng chống buôn bán người; cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ; đồng thời nắm tình hình, triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn khu vực xung quanh trường học. Tăng cường trao đổi thông tin, phát hiện, ngăn chặn những yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến các nhà trường, ngăn chặn số thanh niên xấu lôi kéo, dụ dỗ HSSV vào các hoạt động vi phạm pháp luật như sử dụng trái phép các chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Phòng ngừa HSSV bị lôi cuốn, kích động tham gia tụ tập biểu tình gây rối trên địa bàn vào các thời điểm ngày lễ, tết hoặc các thời điểm nhạy cảm khác. Phối hợp làm rõ và giải quyết dứt điểm những vụ liên quan đến an ninh; điều tra làm rõ các trường hợp cán bộ giáo viên vi phạm pháp luật. Trong 4 năm qua, lực lượng công an đã phát hiện, tổ chức điều tra, xác minh làm rõ 61 vụ với 67 cán bộ giáo viên, nhân viên vi phạm, trong đó có 31 vụ-31 trường hợp vi phạm ATGT; xử lý 780 vụ với 1.432 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Làm rõ và xử lý những vụ học sinh phát tán hình ảnh không lành mạnh trên mạng Intenet; kịp thời răn đe một số phần tử để kiềm chế tình trạng xâm nhập trường học để trộm cắp.
Có thể nói, trong 4 năm triển khai Thông tư Liên tịch số 34 giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, tình hình ANTT tại các địa bàn có trường học được đảm bảo tốt. Số lượng cán bộ giáo viên và học sinh vi phạm pháp luật giảm. Tuy nhiên, tình trạng các quán hàng lấn chiếm cổng trường vẫn còn phức tạp; các nhà trường luôn là điểm mà các loại tội phạm tìm đến, nhất là tội phạm ma túy, trộm cắp, lừa đảo, mua bán người, bắt cóc trẻ em và ép buộc HSSV tham gia vào các hành vi trái pháp luật. Vì vậy cần có sự phối hợp tốt hơn giữa công an khu vực và nhà trường, giữa nhà trường, gia đình, chính quyền và lực lượng chức năng để ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong đội ngũ CBGV, nhân viên, HSSV và những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội ảnh hưởng đến các nhà trường.
Ý kiến ()