LSO-Thực hiện Thông tư số 38/TT-BCA của Bộ Công an ngày 12/10/2010, quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 29/11/2010, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh có kế hoạch tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các đơn vị, Công an các huyện, thành phố nhằm triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Thông tư 38 đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế tại cơ sở cũng như từ chính các cơ quan chuyên trách thực thi quy định này.
|
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tạm giữ xe mô tô vi phạm TTATGT – Ảnh: Thế Bảo |
Theo quy định tại Thông tư 38, sau khi thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ra thông báo vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với trường hợp do mình hoặc cấp dưới ra quyết định xử phạt thì tiến hành gửi thông báo vi phạm về công an xã, phường, thị trấn và lực lượng công an xã, phường, thị trấn vào sổ theo dõi đồng thời chuyển thông báo vi phạm đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm để kiểm điểm, giáo dục… Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, sau gần 6 tháng triển khai Thông tư 38, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã gửi 2.441 thông báo vi phạm về xã, phường, thị trấn nơi cư trú của cá nhân vi phạm. Trong đó, thông tin phản hồi lại cho cơ quan ra thông báo là 1.008 trường hợp, có 7 trường hợp được nhắc nhở, cảnh cáo trước thôn, còn lại việc xử lý ở thôn bản thế nào đối với trường hợp đã nhận được thông báo thì thông tin phản hồi lại không có. Từ số liệu trên và qua tìm hiểu thực tế tại Công an thành phố Lạng Sơn và Công an phường Đông Kinh cho thấy, những bất cập khi thực hiện Thông tư 38 là: tình trạng người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối phó bằng cách khai không đúng địa chỉ cư trú và người vi phạm ở nơi cư trú khác huyện, khác tỉnh do vậy việc thông báo vi phạm gây tốn kém kinh phí và mất thời gian của cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ tại cơ sở. Hoặc, trường hợp người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác trong khi giấy phép lái xe, đăng ký xe vẫn ghi theo địa chỉ cũ nên thông báo vi phạm không đến được đúng địa chỉ người vi phạm cư trú. Không những vậy, thông báo vi phạm chỉ gửi tới công an cấp xã, phường, thị trấn mà không gửi cho UBND cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, việc phối hợp, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở cơ sở cùng vào cuộc tuyên truyền, giáo dục người vi phạm trong phạm vi quản lý là không rõ ràng. Bên cạnh đó, Công an xã, phường, thị trấn sẽ không thể kiểm soát được là tổ trưởng dân phố, trưởng thôn có tổ chức kiểm điểm, giáo dục đối với người vi phạm tại nơi cư trú hay không… Ngoài ra, tổ dân phố không tổ chức họp thường xuyên, thường chỉ từ một đến hai lần trong một năm nên việc tổ chức kiểm điểm, giáo dục đối với người vi phạm là rất khó khăn.
Từ những bất cập nêu trên và để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tư 38, Thiếu tá Nguyễn Cao Huy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Lạng Sơn đề nghị, bên cạnh chỉ đạo công an cấp xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm Thông tư 38, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp tuyên truyền giáo dục các đối tượng vi phạm và gắn với các phong trào thi đua tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với lực lượng công an cấp xã trong việc triển khai nhiệm vụ được quy định tại điều 6 của Thông tư số 38 và tiếp tục đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân. Không những vậy, Bộ Công an, Công an tỉnh cần có sơ kết thực hiện Thông tư 38 thời gian qua trước khi có những đề xuất mới để triển khai thông tư có hiệu quả.
Ý kiến ()