Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 15 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP. Tăng cường đầu tư vào sản xuất - Ảnh minh họaKiểm tra, rà soát, bảo đảm chất lượng tín dụngNghị quyết nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số trọng tâm gồm: Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Kiểm tra, rà soát, bảo đảm chất lượng tín dụng, đặc biệt chú trọng kiểm soát theo hướng đưa lượng tăng trưởng dư nợ tín dụng vào lĩnh vực sản xuất có hiệu quả, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, chứng khoán.Các ngành, các cấp tiếp...
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 15 – 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.
Tăng cường đầu tư vào sản xuất – Ảnh minh họa |
Kiểm tra, rà soát, bảo đảm chất lượng tín dụng
Nghị quyết nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số trọng tâm gồm: Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Kiểm tra, rà soát, bảo đảm chất lượng tín dụng, đặc biệt chú trọng kiểm soát theo hướng đưa lượng tăng trưởng dư nợ tín dụng vào lĩnh vực sản xuất có hiệu quả, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, chứng khoán.
Các ngành, các cấp tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành vượt 7 – 8% dự toán thu năm 2011; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để chi cho an sinh xã hội, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước; tăng cường rà soát, cắt giảm đầu tư công.
Tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, kiên trì và nhất quán điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, thực hiện chính sách an sinh xã hội
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn đối với các dự án hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương cần đề xuất phương án miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cũng cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và đối tượng khó khăn trong xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, xây dựng ký túc xá sinh viên, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2), xây dựng nông thôn mới,…; triển khai thực hiện tốt chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
Để tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; tăng cường đối thoại chính sách; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc kiểm soát thông tin; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nghị quyết nêu rõ, các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xử lý tốt vấn đề Biển Đông, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia.
Sau 6 tháng quyết liệt triển khai các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế – xã hội nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại và có xu hướng giảm dần; tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép; dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; lãi suất có xu hướng giảm; việc cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi ngân sách được thực hiện nghiêm túc đã phát huy hiệu quả góp phần kiềm chế lạm phát; thu ngân sách đạt khá, bội chi giảm; kim ngạch xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ nhập siêu giảm.
Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 5,57%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch; sản xuất nông nghiệp giữ được ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh… |
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến ()