Thực hiện Quyết định 102 cho hộ nghèo: Còn thiếu hợp lý
LSO-Nhiều năm nay, việc thực hiện Quyết định 102/QĐ - TTg, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm tới người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Tuy vậy, do mức hỗ trợ chưa hợp lý nên chưa thực sự tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Người dân thuộc hộ nghèo xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) nhận gạo hỗ trợ |
Cụ thể, theo Điều 3 của Quyết định thì định mức kinh phí hỗ trợ đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II là 80.000 đồng/người/năm; đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III là 100.000 đồng/người/năm. So với giá cả thị trường hiện nay, mức hỗ trợ đó rất thấp để người dân đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Ví dụ, một hộ có 4 người thì sẽ được hỗ trợ khoảng 300 – 400 nghìn đồng/năm (tùy theo đối tượng ở xã khu vực 2 hay khu vực 3), số tiền này thậm chí không đủ để bà con mua 1 con lợn con về nuôi.
Bà Hoàng Thị Hòa, thôn Nà Văng, xã Hòa Bình (xã vùng III của huyện Văn Quan) chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo nhiều năm nay. Nhà có 3 nhân khẩu thì được 300 nghìn đồng/năm, không đủ để mua lợn con về nuôi, bởi hiện giá lợn con ở đây hơn 100 nghìn đồng/kg, mỗi con từ 5 – 6 kg. Tương tự, gia đình bà Lương Thị Tý, ở thôn Tồng Héc, xã Quan Bản (xã vùng II của huyện Lộc Bình) có 5 nhân khẩu nhưng chỉ hiện có 2 lao động chính, nhiều năm nay rơi vào diện hộ nghèo. Mỗi năm, gia đình được hỗ trợ hơn 400 nghìn đồng. Mức hỗ trợ này không đáng kể để gia đình đầu tư phát triển sản xuất.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tổng kế hoạch vốn thực hiện chính sách theo Quyết định 102 trong năm 2016 trên địa bàn là hơn 16,7 tỷ đồng, để hỗ trợ cho hơn 40.300 hộ với trên 178.000 nhân khẩu. Tính đến cuối tháng 7/2016 đã giải ngân đạt trên 47% kế hoạch. Quyết định 102 có 2 hình thức hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn: hỗ trợ tiền mặt và hỗ trợ bằng hiện vật. Nhiều năm nay, trên địa bàn chủ yếu thực hiện theo hình thức hỗ trợ tiền mặt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hình thức hỗ trợ bằng hiện vật không khả thi và rất khó thực hiện đối với vùng khó khăn, vì việc vận chuyển giống cây trồng, giống vật nuôi… khi đến tay đối tượng sẽ phát sinh thêm chi phí vận chuyển do giao thông đi lại khó khăn. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt được người dân đồng tình, nhưng hiệu quả mà mục tiêu của chính sách đặt ra lại không đánh giá được. Anh Lý Văn Thông, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Đạn (Cao Lộc) cho biết: Người dân sau khi nhận tiền, họ đầu tư mua sắm gì là quyền của họ. Cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ tuyên truyền, định hướng cho họ về cách sử dụng đồng tiền hỗ trợ cho hữu ích.
Nhưng dù theo hình thức hỗ trợ nào, định mức đưa ra là khá khiêm tốn so với giá cả các mặt hàng trên thị trường luôn biến động, đặc biệt là có mặt hàng có chiều hướng tăng giá. Điều đó khiến người dân chưa tận dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ.
Ông Vi Hữu Bình, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng nhận ra những hạn chế trong Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là vấn đề định mức hỗ trợ. Vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để điều chỉnh quyết định này. Được biết, hiện trung ương cũng đang xem xét, tiến tới thực hiện tích hợp chính sách hỗ trợ hộ nghèo một cách đồng bộ, hiệu quả.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()