Thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Tổng cục Kỹ thuật: Bám sát nhiệm vụ, hướng về cơ sở, tỏa sáng hình ảnh "Người lính kỹ thuật" thời kỳ mới
Trong những năm qua, Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) luôn được Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, Phong trào TĐQT thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Tổng cục.
Để Phong trào TĐQT có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, các cơ quan, đơn vị trong TCKT đã gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Phong trào TĐQT với thực hiện các phong trào, cuộc vận động của các cấp, ngành và phong trào thi đua yêu nước.
Trong đó, chú trọng gắn Phong trào TĐQT với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục Kỹ thuật đã vận dụng sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức thi đua, nhất là tổ chức các đợt thi đua cao điểm, đột kích bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hướng mạnh về cơ sở với chủ đề thi đua dễ gọi, dễ nhớ, dễ thực hiện, có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nội dung thi đua thiết thực.
Trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào TĐQT, TCKT đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình lớn về công tác kỹ thuật Quân đội; việc quy hoạch sử dụng và phát triển trang bị kỹ thuật; sản xuất vật tư kỹ thuật, cải tiến, hiện đại hóa, đưa vào biên chế, dự trữ quốc gia, dự trữ quốc phòng, loại khỏi biên chế và xử lý trang bị kỹ thuật; quy hoạch hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược, cấp chiến dịch, chiến thuật bảo đảm cho tác chiến trên các hướng chiến trường... xây dựng ngành kỹ thuật Quân đội "vững mạnh, tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả"; góp phần xây dựng Quân đội "tinh, gọn, mạnh".
Thực tiễn tổ chức Phong trào TĐQT, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong TCKT đã xuất hiện nhiều mô hình, cách nghĩ, cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Tiêu biểu là các mô hình: “3 giảm, 4 tăng” (giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật, giảm đơn thư nặc danh, mạo danh vượt cấp, giảm tai nạn giao thông; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra của cấp ủy, chỉ huy các cấp, tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ và đảng viên, tăng năng suất, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật và bảo đảm an toàn, tăng thu nhập cho bộ đội); “2 mẫu mực, 3 không” (mẫu mực về chào; mẫu mực về thời gian làm việc; không vi phạm quy định về an toàn giao thông; không đánh bạc, đánh bài ăn tiền, lô đề, cá độ, vay tiền không có khả năng chi trả, vay tiền để cho vay nặng lãi; không uống rượu bia say, không uống rượu bia trong khi làm nhiệm vụ, uống rượu bia dẫn tới có lời nói, hành vi làm ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong quân nhân); “4 quản lý” (quản lý nội bộ; quản lý con người; quản lý cán bộ, công nhân; quản lý các mối quan hệ của cán bộ, công nhân); Chi đoàn huấn luyện giỏi; Ca trực thông tin kiểu mẫu; Câu lạc bộ sáng tạo trẻ; Thắp sáng đường quê; Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ; Cán bộ, đảng viên kèm cặp, giúp đỡ quần chúng...
Các mô hình, cách làm đã góp phần nâng cao chất lượng trong chấp hành nền nếp, chế độ, trong tổ chức huấn luyện, luyện tập phương án phối hợp, hiệp đồng tác chiến bảo vệ đơn vị và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, phòng chống cháy nổ; bảo đảm an toàn tuyệt đối kho tàng, trạm xưởng, đơn vị.
Thông qua triển khai thực hiện Phong trào TĐQT giai đoạn 2019-2024, TCKT vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước Lào. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc TCKT được tặng thưởng 3 Huân chương Quân công hạng Ba, 4 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 6 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 24 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 tập thể, 2 cá nhân được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 5 Cờ thi đua Chính phủ, 34 Cờ thi đua Bộ Quốc phòng; cùng hàng trăm lượt tập thể, hàng nghìn lượt cá nhân được các cấp khen.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ có những diễn biến phức tạp, khó đoán định; yêu cầu sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng ngành Kỹ thuật Quân đội trong điều kiện hợp nhất theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Quán triệt sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát huy những kết quả đạt được, Đảng ủy, chỉ huy TCKT quyết tâm đẩy mạnh Phong trào TĐQT lên một tầm cao mới, bảo đảm thực chất, vững chắc, phát triển rộng khắp, có chiều sâu.
Theo đó, TCKT sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm tham mưu của Hội đồng thi đua, khen thưởng; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị và trách nhiệm triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức quần chúng đối với công tác thi đua, khen thưởng. Hai là, làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của Phong trào TĐQT; hướng phong trào thi đua vào thúc đẩy thực hiện toàn diện các mặt hoạt động công tác kỹ thuật, nhất là trong triển khai các đề án, dự án lớn của ngành Kỹ thuật Quân đội.
Ba là, công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào TĐQT phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học và thường xuyên có sự đổi mới, sáng tạo; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật trong toàn Tổng cục.
Bốn là, chủ động phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến; tích cực tuyên truyền, học tập gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Năm là, gắn kết chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng; thi đua là cơ sở, căn cứ, tiêu chí của khen thưởng; khen thưởng là điều kiện, là động lực để thúc đẩy phong trào thi đua.
Ý kiến ()