LSO-Chủ trương huy động trẻ 5 tuổi đến lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào học lớp 1. Đây là một chủ trương lớn của Nhà nước và đang từng bước được xã hội hóa. Tuy nhiên, ngay khi triển khai thực hiện, việc phổ cập mầm non 5 tuổi đã vấp phải một số khó khăn khiến lộ trình phổ cập mầm non 5 tuổi ở Lạng Sơn trở nên dài hơi.
Lớp học của Trường chuẩn Quốc gia
Theo Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2011 thì tất cả trẻ 5 tuổi đều phải được đến trường để chăm sóc, học đủ 2 buổi/ngày, đủ 1 năm để chuẩn bị về mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ, tiếng Việt, tâm lý sẵn sàng đi học lớp 1. Thế nhưng, cùng với sự nỗ lực của Sở, ngành, các phòng giáo dục thì việc đạt được mục tiêu 100% trẻ 5 tuổi được đi học vẫn còn gian nan. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu trường, lớp và thiếu thầy cô. Tính đến hết năm học 2009 – 2010, trên địa bàn toàn tỉnh có 130 trường mầm non, trong đó có 9 cơ sở mầm non ngoài công lập. Riêng trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 99,4%. Đây là một thuận lợi trong việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Song vấn đề đặt ra là với tổng số 1.046 phòng học nhưng chỉ có 336 phòng kiên cố, còn lại là bán kiên cố và phòng học tạm. Hơn thế nữa, việc học ghép các trường mầm non với trường tiểu học ở những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn lại không phải vấn đề xa lạ. Trong những ngày giữa tháng 9, chúng tôi có dịp đến xã Yên Lỗ, một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia và đã được chứng kiến những khó khăn, vất vả của các em nhỏ nơi đây. Đem vấn đề trao đổi với ông Nông Văn Liên, phó Chủ tịch UBND xã, được biết: Hiện nay xã có 114 cháu đang ở độ tuổi mầm non. Tuy năm 2007 đã tách trường mầm non Yên Lỗ và trường tiểu học nhưng đến nay HS mầm non vẫn phải học tạm ở 2 phòng học của trường tiểu học. Nói như vậy có nghĩa là cơ sở vật chất đã tạm, lại chưa đạt chuẩn. Thực tế tại “trường tạm” chúng tôi thấy, mới khoảng hơn 10 giờ sáng mà 2 phòng học đã vắng teo. Được biết, vì điều kiện thiếu thốn nên các em chỉ học 1ca/ngày. Và vì có nhiều trẻ nhà xa nên lớp phải tan sớm để các cháu kịp về nhà… Trên địa bàn xã có 9 thôn bản nhưng chỉ có 5 điểm trường chính và 1 phân trường Khuổi Sắp của đồng bào người Dao với 9 giáo viên, 100% là lớp tạm và không có cán bộ y tế. Vì khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nên các cháu không được phân đúng nhóm tuổi mà học tập trung, lẫn lộn. Đối với việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ trên địa bàn thành phố và những vùng lân cận; mặc dù được quan tâm hơn, song vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp và thiếu giáo viên đạt chuẩn. Theo số liệu thống kê, đầu năm học 2010 – 2011 có 6 trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đúng kế hoạch, đến hết năm 2010 sẽ có 15 trường mầm non trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng mạng lưới các trường mầm non vẫn chưa phân bố đồng đều ở các khu vực. Không đủ lớp học, nhiều phụ huynh phải ngậm ngùi cho con đi học ở những nhóm trẻ gia đình hoặc gửi lớp tư, khá hơn là trường ngoài công lập. Vấn đề đặt ra là: học phí thì cao trong khi chất lượng thì lại ngoài tầm kiểm soát của gia đình. Đó là chưa kể đến các lớp học tạm, cơ sở vật chất nghèo nàn và chất lượng nuôi dưỡng bị thả nổi.
Từ nay đến năm 2015 là quãng thời gian khá dài về mặt vật lý, nhưng lại là khoảng thời gian ngắn để khẳng định sự thành công của một đề án lớn. Chính vì thế, để đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thực sự có hiệu quả nên chăng ngành giáo dục cần có những giải pháp trước mắt để khắc phục những khó khăn về thiếu trường lớp và thầy cô. Nói như Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố thì để đạt được mục tiêu của đề án phổ cập, cần sử dụng đúng bộ máy chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trước đây đã làm và thành công. Các địa phương cần chú ý việc phối hợp thực hiện các chương trình, mục tiêu khác nhau để đạt đến đích chung. Ví dụ phối hợp mục tiêu phổ cập, nâng chất lượng chăm sóc trẻ 5 tuổi với chương trình chống suy dinh dưỡng của ngành y tế. Hi vọng rằng, ngành giáo dục Lạng Sơn sẽ có những hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để sớm hoàn thành việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ nay đến hết năm 2015, góp phần vào sự thành công chung của nền giáo dục quốc gia.
Ý kiến ()