Thực hiện nhiệm vụ năm học mới: Hai giải pháp cấp bách của Đình Lập
LSO-Quán triệt nhiệm vụ năm học mới 2013-2014, ngành GD&ĐT huyện Đình Lập triển khai đồng thời 2 giải pháp quan trọng và mang tính cấp bách là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên, nhằm tạo sự bứt phá về quy mô và chất lượng giáo dục.
Lớp mầm non 5 tuổi Trường Mầm non xã Bắc Lãng |
Bước vào năm học mới, toàn ngành có 43 trường với 5948 học sinh, giảm 17 nhóm lớp và tăng 132 học sinh so với năm học trước, trong đó có 60 nhóm lớp với 434 trẻ em 5 tuổi (tỷ lệ huy động đạt 99,76%). Tổ chức huy động và duy trì 13 lớp bổ túc THCS với 253 học sinh tại các xã có nguy cơ “mất chuẩn” THCS. Trước năm học mới, toàn huyện đã có 8/12 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; thành lập thêm 4 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS. Đó là hành trang và là những kinh nghiệm quý để toàn ngành thực hiện nhiệm vụ tổng quát của năm học mới “Nâng cao chất lượng giáo dục và phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi”.
Trước rất nhiều khó khăn về CSVC trường lớp học và đội ngũ giáo viên, ngành đã có cách làm phù hợp đảm bảo điều kiện dạy và học cho các nhà trường. Để giải quyết khó khăn về đội ngũ cho các nhà trường, ngay trong tháng 8/2013, ngành đã tiến hành ký hợp đồng được 117 giáo viên, nhân viên, trong đó cấp học mầm non có 43 giáo viên và 49 nhân viên, cấp tiểu học có 7 giáo viên và 2 nhân viên, cấp THCS 6 giáo viên và 10 nhân viên. Phân công giáo viên về nhận trường, nhận lớp ngay từ những ngày đầu của năm học mới, kiên quyết khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên. Tuy cấp học mầm non có thêm 43 giáo viên, song cũng chỉ có 7 người có chuyên môn theo cấp đào tạo và có đến 36 người có trình độ đào tạo cấp tiểu học và THCS.
Để khắc phục tình trạng dạy “trái chuyên môn”, một mặt ngành mở lớp tập huấn chuyên môn mầm non cho các đối tượng này, mặt khác chỉ bố trí họ với vai trò “phụ giảng” và không bố trí giáo viên “trái” chuyên môn phụ trách lớp 5 tuổi. Đối với nhân viên, ưu tiên cho các trường mầm non có nhân viên y tế trường học; tổ chức tập huấn nghiệp vụ nấu ăn và các kiến thức vệ sinh ATTP cho nhân viên nấu ăn; chi trả mức tiền công hợp lý để đội ngũ này yên tâm thực hiện công việc của mình. Nhờ sớm hợp đồng, bố trí giáo viên, nhân viên, mà ngay từ đầu năm học mới tất cả 14 trường mầm non đều thực hiện ăn bán trú cho học sinh. Đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh trong diện hưởng chế độ bán trú, ngành chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các xã, thị trấn, điều tra, thống kê, lập danh sách học sinh được hưởng chế độ. Vì vậy, chỉ sau 2 tuần thực học của đầu tháng 9, toàn ngành đã có danh sách của 1632 học sinh cấp tiểu học và THCS được hưởng chế độ bán trú, từ đó lập dự trù chi trả cho học sinh theo chế độ hiện hành. Về CSVC, một mặt các xã tập trung khắc phục và sửa chữa nhanh các phòng học bị ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6; mặt khác, ngành dành một khoản tiền trên 500 triệu đồng từ ngân sách chi thường xuyên hỗ trợ mua sắm dụng cụ cấp dưỡng, xây dựng bếp ăn, xây dựng nhà vệ sinh cho 5 trường mầm non.
Để đảm bảo cho lớp mầm non 5 tuổi có phòng học riêng, ngành đã chỉ đạo các nhà trường sắp xếp lại lớp của các độ tuổi, mượn nhà văn hóa thôn, nhà dân, làm thêm phòng học tạm, nhờ phòng học của tiểu học…để ưu tiên dành lớp cho các cháu 5 tuổi; đến nay tất cả 60 lớp mầm non 5 tuổi đều có phòng học riêng. Tiếp nhận, bảo quản, sắp xếp hợp lý các bộ đồ chơi ngoài trời để phục vụ các cháu. Rà soát lại các công trình như trường lớp học, nhà ở công vụ giáo viên để sắp xếp hợp lý nhu cầu ăn, ở cho học sinh và giáo viên các trường phổ thông dân tộc bán trú. Lập kế hoạch đề nghị huyện xây dựng thêm các phòng bán trú cho học sinh từ nguồn vốn chương trình 30a.
Thầy Hoàng Xuân Mai, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: với việc thực hiện nghiêm túc 2 giải pháp là kiện toàn đội ngũ giáo viên, nhân viên và đầu tư có trọng điểm CSVC, nên bước vào năm học mới, tất cả các nhà trường đều đã ổn định giảng dạy, học tập và nuôi dưỡng bình thường. Tuy vậy, nhiều khó khăn về CSVC vẫn hiện hữu phía trước mà nguyên nhân do hạ tầng, giao thông quá thấp kém, nên chưa thể triển khai xây dựng được như chương trình xây dựng cho một số trường ở Bính Xá, Kiên Mộc, Lâm Ca…vì vậy, các nhà trường vẫn tiếp tục phải chịu thiệt thòi do thiếu phòng học, nhà ăn, bếp nấu ăn…
Ý kiến ()