Thực hiện nghiêm quy định về tặng quà Tết
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cần tổ chức Tết đơn giản, tình nghĩa, không chúc Tết, tặng quà cấp trên để tình cảm anh em, đồng chí trọn vẹn và gần gũi với nhân dân hơn.
Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về việc tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trong đó có yêu cầu các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương. Các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền thực hiện chính sách đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Tổ chức thăm hỏi các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ðồng thời, cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và không được sử dụng ngân sách nhà nước.
Cùng ngày, Cục Phòng chống tham nhũng (Cục IV) Thanh tra Chính phủ đã mở ba đường dây nóng (08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688) để tiếp nhận thông tin tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định dịp Tết Nguyên đán 2018. Những thông tin tố cáo sẽ được tiếp nhận và chuyển giao cho ban, ngành, địa phương có trách nhiệm tiến hành xác minh, xử lý và gửi báo cáo về Cục Phòng chống tham nhũng để tổng kết, báo cáo cấp trên có biện pháp xử lý tiếp theo. Ðây không phải lần đầu tiên việc công khai đường dây nóng này được Thanh tra Chính phủ thực hiện, bởi chỉ riêng năm 2017, Cục IV đã nhận được 33 tin tố giác tham nhũng và 23 tin tố giác việc biếu, nhận quà Tết trái quy định.
Thực tế cho thấy, cứ dịp “Tết đến – Xuân về” là không ít người dân, thậm chí có cả một số cơ quan nhà nước lại tất bật cho việc lên kế hoạch mua sắm và tặng quà cho cấp trên, đối tác, người thân. Quà tặng linh hoạt theo từng đối tượng và hoàn cảnh, cũng như đích đến cuối cùng mà người tặng quà hướng tới. Việc tặng quà ngày càng phổ biến và không ít người mặc định rằng quà tặng càng đa dạng, càng độc, lạ, giá trị càng cao thì người nhận càng vui vẻ. Người biếu quà vì vậy càng an tâm đón Tết. Dù không ít trường hợp việc tặng quà khiến “chủ nhà nhịn miệng đãi khách”, còn người nhận quà thì mặc định “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Ðiều này khiến cho việc tặng quà nhân dịp năm mới vốn là một truyền thống văn hóa đẹp của dân tộc ngày càng bị biến tướng, gây phản cảm trong xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 16-CT/TW nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…
Chủ trương đưa ra ngay lập tức đã được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, để chủ trương này sớm được triển khai thành công trong cuộc sống rất cần sự đồng thuận cả “ý Ðảng – lòng dân” theo tinh thần văn hóa mới, trong đó, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… giữ vai trò quan trọng. Ðặc biệt, các cơ quan, đơn vị và cá nhân chỉ được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng trong những trường hợp mà chế độ nhà nước cho phép (như một số chính sách, chế độ quà tặng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng…); nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác. Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan để xử lý theo quy định…
Theo Nhandan
Ý kiến ()