Thực hiện nghị quyết về phát triển giao thông nông thôn: Khơi dậy sức dân
LSO- Thực hiện Nghị quyết số 19, ngày 9/12/2016 của HĐND tỉnh về phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020, đến nay cơ bản các chỉ tiêu đề án đặt ra đều thực hiện đạt yêu cầu. Đặc biệt, sự đồng thuận tham gia của người dân để củng cố hệ thống hạ tầng giao thông đạt kết quả to lớn.
Để cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai tới các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố. Việc triển khai thực hiện tại cơ sở cơ bản thuận lợi, ngoài cơ chế hỗ trợ tích cực từ nguồn ngân sách nhà nước như: xi măng, cát, sỏi, sắt, thép còn có sự tham gia đóng góp sức người, tiền mặt từ người dân để hiện thực hóa các chỉ tiêu nghị quyết đặt ra.
Trong thực hiện, đã có nhiều địa phương tuyên truyền, vận động sức dân có hiệu quả để cứng hóa các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm đạt chuẩn nông thôn mới như các huyện: Hữu Lũng; Chi Lăng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Quan. Nhiều xã nổi bật như: Chiến Thắng (Bắc Sơn), Tú Đoạn (Lộc Bình), Vân Nham, Yên Thịnh, Tân Thành (Hữu Lũng), xã Đình Lập (Đình Lập); Vân Mộng, Xuân Mai, Song Giang (Văn Quan)…
Người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia bê tông hóa đường giao thông nội đồng
Ông Bàng Đức Cường, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Hầu hết các xã khi xin xi măng làm đường liên thôn đều nhờ huyện thiết kế với quy mô mặt đường rộng từ 2,5 m trở lên, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới và được bà con đồng thuận, đóng góp tiền, hiến đất mở rộng nền đường.
Từ khi triển khai nghị quyết đến nay, huyện Hữu Lũng làm mới được 102 km đường bê tông trục xã, liên thôn và ngõ xóm, trị giá trên 70 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 20 tỷ đồng và hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để mở mới nền, mặt đường. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện làm mới 16 km đường, nhân dân góp tiền mặt được 4,8 tỷ đồng để bê tông hóa đường giao thông.
Một huyện khác kết quả thực hiện đạt khá là Văn Quan, trong hai năm 2016 và 2017, huyện làm mới được 105 km đường bê tông trục xã, liên thôn và ngõ xóm. Trong 6 tháng đầu năm nay, huyện thực hiện được 43 km đường các loại, nhân dân hiến hơn 3.300 m2 đất và đóng góp gần 1 tỷ đồng tiền mặt để làm đường.
Theo số liệu của Sở Giao thông – Vận tải, trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh làm mới được 1.062 km đường bê tông xi măng. Nhân dân đóng góp 140 tỷ đồng và 471 nghìn mét vuông đất để làm đường. Các chỉ tiêu về đường giao thông nông thôn được cứng hóa và mở mới nền đường thực hiện hằng năm đều vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh (chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đặt ra mỗi năm cứng hóa 320 km đường bê tông).
Người dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc làm đường giao thông nông thôn
Kết quả đạt được rất lớn với sự đóng góp to lớn từ sức dân, chủ trương nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm được phát huy cao độ trong việc củng cố hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, những khó khăn cũng bắt đầu lộ diện, chẳng hạn theo Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh về thực hiện đề án, ngoài việc bố trí kinh phí để mua xi măng, tỉnh còn hỗ trợ vật tư, ca máy để cứng hóa các tuyến đường trục xã và huyện hỗ trợ kinh phí để mua vật tư, vật liệu để làm đường liên thôn, ngõ xóm. Nhưng đến nay, việc cân đối kinh phí của tỉnh còn khó khăn, mới bố trí được khoảng 40% kinh phí để hỗ trợ cát, đá, ca máy; riêng nguồn kinh phí hỗ trợ cát, đá thuộc trách nhiệm của cấp huyện vẫn chưa bố trí được.
Trao đổi về giải pháp thực hiện Nghị quyết 19 trong thời gian tới, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Hiện sở đang đề xuất với tỉnh giải pháp cứng hóa mặt đường trục xã trong bối cảnh huy động nguồn lực gặp khó khăn bằng sử dụng công nghệ vật liệu đất gia cố tro bay và xi măng để cứng hóa mặt đường. Ngoài ra, phải xác định và thứ tự ưu tiên nguồn lực để thực hiện tại các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hằng năm trong cân đối nguồn lực để đạt tiêu chí.
TRANG NINH
Ý kiến ()