LSO-Theo thống kê của các xã trên địa bàn toàn tỉnh, tính đến thời điểm này, trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn có 6 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người ở 6 xã này cao hơn thu nhập bình quân của toàn tỉnh từ 1,4 lần trở lên.6 xã, so với tổng số 226 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh không nhiều nhặn gì. Nhìn một cách tổng thể, theo kết quả điều tra hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới, Lạng Sơn có 51.129 hộ nghèo và 22.806 hộ cận nghèo. Đặc biệt trên địa bàn có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Bình Gia 61,35%; Đình Lập 51,02%; Văn Quan 49,84% và có tới 78 xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Điểm qua những con số thống kê ấy để thấy rằng với một xuất phát điểm thấp và đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, con đường phát triển của Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn, con số 6 xã đạt tiêu chí thu nhập bình quân của nông thôn mới...
LSO-Theo thống kê của các xã trên địa bàn toàn tỉnh, tính đến thời điểm này, trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn có 6 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người ở 6 xã này cao hơn thu nhập bình quân của toàn tỉnh từ 1,4 lần trở lên.
6 xã, so với tổng số 226 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh không nhiều nhặn gì. Nhìn một cách tổng thể, theo kết quả điều tra hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới, Lạng Sơn có 51.129 hộ nghèo và 22.806 hộ cận nghèo. Đặc biệt trên địa bàn có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Bình Gia 61,35%; Đình Lập 51,02%; Văn Quan 49,84% và có tới 78 xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Điểm qua những con số thống kê ấy để thấy rằng với một xuất phát điểm thấp và đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, con đường phát triển của Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn, con số 6 xã đạt tiêu chí thu nhập bình quân của nông thôn mới là một trong những kết quả cụ thể, ghi dấu sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
|
Xây dựng nông thôn mới ở Hữu Liên (Hữu Lũng) |
Thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân ngày 5/8/2008, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 30, đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề hạn chế, yếu kém trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm xây dựng một cách toàn diện, phát triển đồng bộ vấn đề “tam nông”.
Theo đó tỉnh tập trung xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn gắn với các đô thị; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; đổi mới cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông thôn…gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, đặc biệt là vùng khó khăn.
Những giải pháp đồng bộ ấy, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến nhanh và vững chắc. Từ khi Nghị quyết ban hành cho đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn ngành đạt 4,86%/năm, vẫn thể hiện vai trò là trụ đỡ của toàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp đạt tới trên 6 nghìn tỷ đồng, vượt xa con số của năm 2008.
Trong khi đó an ninh lương thực được đảm bảo vững chắc với tổng sản lượng 290 nghìn tấn mỗi năm, dự ước năm 2011 đạt 297 nghìn tấn. Lương thực đảm bảo, nông dân Xứ Lạng với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật và cơ chế chính sách của tỉnh đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như thạch đen, thuốc lá; các loại cây ăn quả đặc sản và các vùng rừng trồng tập trung như thông, keo, lát…
|
Phát triển nuôi thủy sản ở xã Bình Phúc, huyện Văn Quan |
Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn có sự đổi mới mạnh mẽ. Kinh tế tập thể với nòng cốt là 111 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông lâm nghiệp và tiêu thủ công nghiệp tạo việc làm cho 3.906 xã viên và trên 4.600 lao động thường xuyên với tổng vốn điều lệ, đăng ký hơn 45 tỷ đồng. Đồng thời kinh tế trang trại ngày càng phát triển theo chiều sâu với 66 trang trại, sử dụng gần 700ha đất vào sản xuất kinh doanh tập trung. Doanh thu bình quân của trang trại đạt 51,7 triệu đồng/năm, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người nông dân.
Đồng thời với việc tạo các điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển và tăng cường đầu tư vào nông thôn, Lạng Sơn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống của nhân dân, đặc biệt các hộ gia đình ở vùng khó khăn trong tỉnh. Những giải pháp đó đã và đang phát huy hiệu quả cao và điều quan trọng hơn là tạo ra sự đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân từ đó hình thành khối đai đoàn kết toàn dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ nội lực. Đó cũng chính là nền tảng để Lạng Sơn vượt qua những khó khăn, thử thách cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()