Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị
Buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ vừa rồi, ngay sau cái Tết an vui, đầm ấm và cũng là buổi sinh hoạt đầu tiên sau thành công Đại hội XII của Đảng, rất phấn chấn. Một trong các nội dung chi bộ đưa ra quán triệt là tiếp tục thực hiện sâu sắc hơn Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) trên cơ sở phù hợp với địa bàn và nhiệm vụ của từng đảng viên.
Vậy nhưng khi bàn chi tiết thì dường như không có mấy ý kiến! – Nếu cứ làm như cũ thì với những đảng viên đã về hưu như chúng ta ai cũng thấy không còn động lực. Còn làm sâu sắc hơn thì phải cụ thể thế nào? – một đảng viên hưu trí ghé tai tôi.
Tôi từng để công tìm hiểu với mong muốn góp ý cho chi ủy, cho nên sau cuộc họp có vẻ chóng vánh, tôi mời ông “vừa là bạn hưu, vừa là đồng chí” về nhà, bàn luận câu chuyện xây dựng tổ chức mà mình là thành viên.
Vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta đặt ra và tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình 86 năm hình thành và phát triển. Đó là, đợt chỉnh huấn Đảng năm 1953, 1954; chi bộ “bốn tốt” những năm 60, hay gần đây là Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2, khóa VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Trung ương Đảng khóa XI có Nghị quyết T.Ư 4 về “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Sau bốn năm thực hiện, tôi rất thống nhất với đánh giá của T.Ư tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng, rằng, quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực…
Theo suy nghĩ của chúng tôi, mục đích quan trọng của Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng là nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của từng tổ chức Đảng. Nếu chỉ hiểu Nghị quyết T.Ư 4 là kiểm điểm, kỷ luật đảng viên sai phạm thì chưa đủ. Mà phải nhìn nhận, đánh giá kết quả thông qua sự chuyển biến của tổ chức Đảng về năng lực lãnh đạo, thể hiện rõ nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thí dụ, đối với đảng bộ các địa phương, đó là kết quả phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn trong từng khối phố, khu dân cư của mình… Trong sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên phải thảo luận kỹ, bàn bạc, đánh giá đúng, khách quan và tìm các giải pháp phù hợp với điều kiện của chi bộ, khối phố, thôn xóm mình, để tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng.
Cần cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 thành công việc hằng ngày của mỗi đảng viên và mỗi tổ chức Đảng; trong đó nhấn mạnh công tác tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là đối với người đứng đầu. Song, phải đổi mới phương pháp kiểm điểm cho phù hợp từng loại cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với phương thức dễ hiểu, dễ học nhằm xây dựng, bồi đắp đạo đức, lý tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()