Thực hiện Nghị quyết 71: Tạo chuyển biến về công tác giáo dục chính trị tư tưởng
– Ngày 30/10/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU về lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Sau hơn 10 năm triển khai, nghị quyết này đã thực sự đi vào cuộc sống.
Cán bộ, đảng viên tham gia học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng và luôn song hành với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 71, thực sự đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và mang lại những chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Từ nhận thức đến hành động
Đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng có tầm quan trọng đặc biệt nhằm giữ vững lý tưởng, mục tiêu bảo đảm tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thời gian qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ việc thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 71. Nghị quyết được triển khai học tập sâu rộng đến các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trọng tâm là đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng; tỷ lệ cán bộ, đảng viên học tập đạt trên 98%, tỷ lệ Nhân dân được tuyên truyền đạt trên 95%. Công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng được tăng cường, đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội; việc học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được quan tâm, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú hơn. Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng có nhiều đổi mới, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ.
Cùng đó, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc còn chủ động xây dựng các kế hoạch, đề án, chỉ thị liên quan đến triển khai học tập nghị quyết, như Thành uỷ Lạng Sơn với Đề án số 03 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025” (Đề án 03); Huyện uỷ Hữu Lũng ban hành Đề án số 03 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện đến năm 2025”…
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị thành phố Lạng Sơn cho biết: Ban Thường vụ Thành uỷ xây dựng Đề án 03 nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Theo đó, đề án đưa ra mục tiêu cụ thể với những giải pháp thực hiện như: tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức quán triệt chỉ thị, nghị quyết; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Qua việc triển khai Đề án đã góp phần thực hiện hiệu quả, sâu sắc công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn.
Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được chú trọng. Trong nghiên cứu, giảng dạy, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã chú trọng việc cụ thể hoá nội dung, bổ sung vào chương trình giảng dạy phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, trường chính trị của tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố và ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng uỷ trực thuộc đã mở trên 5.100 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 500 nghìn lượt học viên.
Để nghị quyết thực sự thấm sâu vào thực tiễn, các đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực như: tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên đề tại địa chỉ đỏ; các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm trên Internet; sinh hoạt dưới cờ, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong các trường học gắn với các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Cùng đó, các cấp ngành đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã biên soạn được hơn 260 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đây là những cuốn tài liệu quý được sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, giáo dục cách mạng nhất là giáo dục thế hệ trẻ nhằm khơi dậy niềm tự hào và ý chí nỗ lực, vươn lên, tiếp tục cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp phát triển quê hương.
Từ việc quan tâm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn đã thống nhất từ nhận thức đến hành động.
Những kết quả đạt được
Những năm qua, các cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, tự soi, tự sửa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” gắn với học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể, chủ động đăng ký xây dựng các mô hình tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác an sinh xã hội của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 359 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được trung ương, tỉnh tặng bằng khen; 45 tập thể, cá nhân được giới thiệu tham gia triển lãm những tấm gương bình dị mà cao quý.
Ông Lăng Văn Lịch, Bí thư Đảng ủy xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng là một cán bộ gương mẫu, trách nhiệm, một trong những tấm gương đã được giới thiệu tại triển lãm những tấm gương bình dị và cao quý tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Lịch cho biết: Bản thân luôn tự giác nghiên cứu, học tập đầy đủ, sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Không những thế, là cán bộ, người đứng đầu của Đảng ủy xã nên cá nhân tôi cũng luôn nêu gương, nói đi đôi với làm, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đơn cử như trong những năm qua, tôi cùng tập thể cán bộ, công chức xã và người dân trên địa bàn đã đoàn kết, chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo được sự đồng thuận trong sắp xếp sáp nhập xã Vân Nham và Đô Lương, giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ mới trên địa bàn xã…
Không chỉ cán bộ, đảng viên, công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng cũng được triển khai, lan tỏa đến với đông đảo Nhân dân trên địa bàn. Qua đó góp phần tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong Nhân dân. Những năm qua, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn luôn ổn định, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn luôn nhận được sự ủng hộ tích cực, huy động được nguồn lực lớn từ sự đồng thuận trong Nhân dân.
Thông qua việc thực hiện Nghị quyết 71, các cấp ủy đảng đã đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện các quy định, công tác tổ chức, cán bộ trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc, nổi cộm.
Đồng chí Phùng Quang Hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết thêm: Với những giải pháp cụ thể, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể như hằng năm kết nạp được trên 2.000 đảng viên mới (vượt chỉ tiêu), nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực được phát hiện và xử lý nghiêm khắc, kịp thời; kinh tế – xã hội phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 – 2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015 – 2020; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 – 2022 đạt 49,26 triệu đồng, cao hơn 29,3% so với giai đoạn 2015 – 2020; tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững… Những kết quả nổi bật trên là nền tảng vững chắc, là động lực to lớn tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
PHƯƠNG DUNG – THANH MAI
Ý kiến ()