Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW: Kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được củng cố
LSO- Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc bộ, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, để Nghị quyết đi vào cuộc sống. UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành chương trình kế hoạch của tỉnh thực hiện Nghị quyết 37, đề ra 5 chương trình lớn xác định cụ thể các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 để thống nhất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, tỉnh đã xây dựng 20 dự án, 24 đề án và các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn và giao cho các sở, ngành, UBND các huyện thành phố cụ thể hoá các hoạt động thuộc trách nhiệm của mình. Do đó, kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố. Nguồn vốn ngoài ngân sách đầu...
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, nằm trong vùng trung du, miền núi Bắc bộ có hệ thống cơ sở kinh tế và kết cấu hạ tầng chậm phát triển. Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết 37, kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá cao. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2005-2010 là 10,35%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 16,1 triệu đồng gấp 3,1 lần so với năm 2004. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đến năm 2010 khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt là công tác nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống các công trình phúc lợi xã hội thiết yếu khu vực vùng sâu, biên giới. Đầu năm 2011 toàn tỉnh đã có trên 766 km đường tỉnh, huyện được bê tông xi măng, bê tông nhựa và láng nhựa; có 726 km đường xã được xây dựng mặt đường bằng vật liệu cứng, 73% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% thôn bản, khối phố có nhà văn hoá, 92,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, gần 4000 phòng học được đầu tư kiên cố, đạt 58,84%… Cũng trong giai đoạn này, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hàng năm bố trí vốn xây dựng hạ tầng thiết yếu nhằm thu hút đầu tư, xây dựng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn trở thành khu kinh tế động lực của tỉnh, tạo sự liên kết phát triển với các vùng khác trong cả nước và là điểm thông thương quan trọng trên tuyến biên giới Việt-Trung. Ngoài ra tỉnh cũng đã triển khai quy hoạch được một số khu, cụm công nghiệp, một số dự án công nghiệp lớn đã hoàn thành, đi vào sản xuất như dự án nhà máy xi măng Đồng Bành, nhà máy nhiệt điện Na Dương… Ngoài ra, nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được thực hiện tốt. Điển hình như thực hiện dự án trồng rừng 661 khu vực biên giới do Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện chương trình 120 cho các xã biên giới; chương trình phát triển kinh tế quốc phòng do các nông lâm trường 461, 196 triển khai thực hiện tại khu vực Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc; chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm phát huy hiệu quả…Ngoài ra, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ đảng viên, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên được xây dựng vững mạnh.
Mặc dù vậy, trong 6 năm thực hiện Nghị quyết 37 trên địa bàn tỉnh cũng đã thể hiện một số yếu kém như; tốc độ tăng trưởng tuy cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng chưa bền vững; việc huy động đầu tư vào địa bàn còn hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở còn yếu về năng lực chuyên môn nên việc tổ chức vận dụng, cụ thể hoá và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tế địa phương còn nhiều hạn chế. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành chức năng của tỉnh sớm triển khai những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.
Công Quân
Ý kiến ()