Thực hiện Nghị quyết 35: Sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục
– Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh (GD&ĐT) có hơn 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 150.000 học sinh, sinh viên từ phổ thông đến trường chuyên nghiệp. Đây là lực lượng góp sức quan trọng trong việc đưa Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị
Thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nhiệm vụ đặt ra của ngành GD&ĐT là phải thực hiện song song giữa “Xây” (bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng) và “Chống” (đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch).
Đoàn thanh niên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền cài đặt ứng dụng VneID
và phổ biến pháp luật cho đoàn viên
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để nghị quyết đi vào thực tiễn, toàn ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung giáo dục lý luận chính trị, rèn luyện bản lĩnh cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, nâng cao nhận thức, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, tích cực lan tỏa thông tin tích cực với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Nhiệm vụ này không chỉ tập trung ở đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn lan tỏa trong toàn thể học sinh, sinh viên, giúp các em nhận diện được và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Theo đó, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành đã quán triệt nội dung Nghị quyết 35 đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Vào dịp hè hằng năm, các cơ sở giáo dục đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho giáo viên, nhân viên trường học.
Có thể kể đến như trong dịp hè năm 2022, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức bồi dưỡng chính trị hè theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 574 điểm cầu trong toàn tỉnh với sự tham gia của gần 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tại lớp bồi dưỡng này, các cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành được truyền đạt những điểm cốt lõi trong các văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Sau hội nghị, 100% đại biểu đã viết bài thu hoạch trong đó cơ bản đều đạt loại khá trở lên.
Cô Nguyễn Thùy Chi, giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh cho biết: Trong dịp hè vừa qua, tôi đã tham gia hội nghị bồi dưỡng chính trị hè với nhiều chuyên đề ý nghĩa. Qua đây, chúng tôi được nâng cao nhận thức lý luận chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó phát huy trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vận dụng những kiến thức tiếp thu được để phục vụ công tác giảng dạy.
Cùng với việc quan tâm giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ cũng được các cơ sở giáo dục chú trọng và triển khai bài bản, phù hợp với từng đối tượng, thông qua nhiều hình thức như lồng ghép trong các môn học: Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn hay tổ chức hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng để giáo dục học sinh về ứng xử trên môi trường mạng; tổ chức nói chuyện chuyên đề với các “nhân chứng sống” của lịch sử hoặc được tham quan các di tích lịch sử, nhà trưng bày, bảo tàng…
Trong đó, ở cấp tiểu học và THCS, các nhà trường thường xuyên lồng ghép giáo dục truyền thống cho học sinh trong các môn học, đặc biệt là giờ sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 hằng tuần với nội dung được nhà trường xây dựng theo chủ đề, chủ điểm từng tháng, từng tuần, chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục truyền thống cho học sinh. Ở cấp THPT, giáo dục thường xuyên và trường chuyên nghiệp, công tác giáo dục chính trị, giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh thông qua các hoạt động tuyên truyền trong giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt đoàn, giáo dục của giáo viên chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa… Nổi bật là tổ chức sinh hoạt ngoại khóa “Tuần sinh hoạt công dân” vào đầu năm học cho học sinh.
Nâng cao “đề kháng” trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng
Hiện nay, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các thế lực thù địch đăng tải nhiều tin bài, thông tin xấu độc, luận điệu sai trái nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, cố tình chia rẽ khối đại đoàn kết, phá vỡ niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Trước thực trạng đó, ngành GD&ĐT tỉnh đã tham gia tích cực việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời lan tỏa các thông tin tích cực trên không gian mạng.
Toàn cảnh hội nghị bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên năm 2022
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 670 cơ sở giáo dục. Để Nghị quyết 35 lan tỏa trong thực tiễn, các cơ sở giáo dục này đều phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện công tác này. Theo đó, ngay sau khi nhận các văn bản chỉ đạo của cấp trên, bí thư chi bộ, hiệu trưởng các trường đã quán triệt nội dung nghị quyết, chỉ đạo giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đều thành lập các nhóm Mocha để thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Như tại Đảng bộ Sở GD&ĐT thành lập nhóm cộng tác viên 35 với 31 thành viên, 11/11 phòng GD&ĐT huyện và thành phố đều thành lập nhóm cộng tác viên 35, trong đó bao gồm cán bộ, chuyên viên phòng GD&ĐT, ban giám hiệu các trường học trực thuộc trên địa bàn. Hằng tuần, thành viên các nhóm thực hiện báo xấu 3 – 4 tài khoản, chia sẻ 4 – 5 bài viết có thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội.
Bà Phan Thị Toán, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết: Chúng tôi đã thành lập nhóm cộng tác viên với hơn 100 thành viên bao gồm chuyên viên phòng, hiệu trưởng và một số hiệu phó các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Hằng tuần, lực lượng này thực hiện các nhiệm vụ được giao trong đó có việc sử dụng tài khoản mạng xã hội của mình để báo xấu các tài khoản chứa nội dung độc hại, lan tỏa chia sẻ các bài viết thông tin tích cực trên mạng xã hội.
Song song với đó, các trường học cũng luôn chú trọng việc tăng “đề kháng” cho học sinh trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Trong đó, các trường học đã quan tâm hướng dẫn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa phổ biến, định hướng cho học sinh sử dụng mạng xã hội đúng cách, an toàn. Em Đinh Yến Nhi, lớp 11A4, Trường THPT Tràng Định cho biết: Trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều thông tin, trong đó có những thông tin hữu ích, có những thông tin xấu độc. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn, phân tích của thầy cô về những thông tin xấu, độc, em đã biết chắt lọc, lựa chọn thông tin phù hợp để đọc, tìm hiểu và chia sẻ. Đồng thời, không lan truyền những thông tin chưa rõ ràng hoặc sai lệch…
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của các cấp trong ngành giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác, hạn chế sự lan tỏa các thông tin xấu độc, từ đó đưa việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.
HOÀNG TÙNG - PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()