Thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chất lượng phổ cập giáo dục từng bước được nâng cao
LSO-Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 31/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao kết quả phổ cập giáo dục và đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, với cách làm phù hợp, toàn tỉnh không những có thêm đơn vị đạt chuẩn, mà chất lượng chuẩn đã được nâng cao một bước.
LSO-Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 31/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao kết quả phổ cập giáo dục và đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, với cách làm phù hợp, toàn tỉnh không những có thêm đơn vị đạt chuẩn, mà chất lượng chuẩn đã được nâng cao một bước.
Học sinh lớp 8 Trường PTDT bán trú Mẫu Sơn (Cao Lộc) trong giờ tự học |
Năm 1997, với việc hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH)- chống mù chữ, giáo dục Lạng Sơn đã bước ra khỏi sự trì trệ do trình độ dân trí thấp và từng bước đi lên. Năm 2006 tỉnh đã hoàn thành phổ cập THCS và năm 2008 được công nhận phổ cập GDTH đúng độ tuổi. Điều này đã tạo đà cho việc xác lập mặt bằng chất lượng giáo dục mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của bệnh thành tích mà chất lượng phổ cập ở các đơn vị chưa cao, nhất là các xã vùng khó khăn, vùng cao thì tỷ lệ người trong độ tuổi hoàn thành cấp học chỉ mới ở ngưỡng chuẩn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác duy trì bị thu hẹp và tâm lý chủ quan của các xã, thị trấn nên nguy cơ “mất chuẩn” luôn hiện hữu.
Quán triệt Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để nâng cao chất lượng phổ cập giai đoạn 2010-2015. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, ngành đã triển khai một loạt giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phổ cập trong toàn tỉnh. Trong giai đoạn này, ngành phải thực hiện song song nhiều nhiệm vụ quan trọng như triển khai phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập GDTH đúng độ tuổi và giáo dục THCS, tăng cường phổ cập giáo dục trung học phổ thông (THPT). Như vậy công tác phổ cập được thực hiện một cách đồng bộ và xuyên suốt từ cấp học mầm non đến cấp học THPT. Để có thể hoàn thành những nhiệm vụ này, ngành GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ và sâu sắc từ nhân thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và người dân về tầm quan trọng của phổ cập giáo dục đến nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sự phát triển KTXH. Đẩy nhanh tiến trình quy hoạch mạng lưới trường mầm non, chuyển đổi nhanh trường tiểu học và THCS vùng khó khăn sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú; xây dựng cơ chế chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ nguồn lực và cơ chế phân cấp quản lý nhà nước trong công tác phổ cập. Đặc biệt, ngành quan tâm đến các đơn vị trong kế hoạch phổ cập GDMN và những đơn vị có nguy cơ mất chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; chỉ đạo các đơn vị này rà soát và có phương án “xử lý” trọng tâm, trọng điểm theo phương châm “làm đâu được đó, tiến hành phổ cập ở những đơn vị còn lại được thực hiện song song với nâng cao chất lượng chuẩn”. Theo phương châm “một hội đồng, hai nhiệm vụ”, các nhà trường một mặt nâng cao chất lượng giáo dục loại hình chính quy, chống lưu ban, bỏ học để đạt “chuẩn tự nhiên”; mặt khác tích cực điều tra, huy động người trong độ tuổi chưa hoàn thành cấp học ra lớp bổ túc, duy trì tốt sĩ số lớp bổ túc.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, toàn tỉnh đã có 60 xã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt 95,2% kế hoạch. Đã chuyển đổi 33 trường tiểu học và THCS vùng khó khăn với 4.599 học sinh sang loại hình phổ thông dân tộc bán trú; đây chính là điểm nhấn quan trọng góp phần tăng thêm 6 đơn vị hoàn thành phổ cập, giữ vững 100% số đơn vị duy trì phổ cập GDTH đúng độ tuổi và giáo dục THCS. Bên cạnh đó, các Trung tâm giáo dục thường xuyên đẩy mạnh thực hiện Quyết định 910 của UBND tỉnh, huy động gần 2000 học viên ra lớp bổ túc THPT cụm xã. Thực hiện “chuẩn liên thông” giữa các cấp học là động lực mạnh mẽ thúc đẩy học viên ra lớp, học hết chương trình cấp học, qua đó nâng cao chất lượng chuẩn. Nếu năm 2010, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học mới ở mức 90,9%, thì đến hết năm 2012 đã ở mức 92,9%; tỷ lệ người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS mới đạt 84,2%, đến năm 2012 đã ở mức 86,9%. Năm 2010, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-25 biết chữ là 98,8% và tỷ lệ người từ 26-60 tuổi biết chữ là 92,5%, thì đến năm 2012 đã có 99,3% số người trong độ tuổi 15-25 và 94,4% người trong độ tuổi 26-60 biết chữ.
Học sinh Trường THPT Cao Lộc mượn sách ở thư viện nhà trường – Ảnh: Thanh Hòa |
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng, nâng cao kết quả phổ cập có nghĩa là vừa phải phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục nói riêng và phổ cập nói chung, ngành đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, phúc tra để công nhận mới và công nhận lại những đơn vị đã hoàn thành phổ cập theo quy định của ngành. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có 220 xã đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi, trong đó có 70 xã đạt chuẩn mức độ 2, thì đến hết năm 2012 đã có tất cả 226 xã hoàn thành (tăng 6 xã), song số xã chuẩn mức độ 2 thì chỉ còn 64 xã (giảm 6 xã). Bên cạnh đó, chất lượng phổ cập THCS cũng còn thấp và còn đến 17 xã có tỷ lệ thấp (từ 70- dưới 75%). Thực tế đó đòi hỏi cần phải có quyết tâm lớn hơn, sự nỗ lực cao hơn và cách làm phù hợp hơn mới có thể hoàn thành kế hoạch vào năm 2015 do UBND tỉnh đề ra.
MINH HỒNG
Ý kiến ()