Thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cách làm của Cao Lộc
Là địa phương có nhiều xã vùng cao, vùng biên giới, cơ sở hạ tầng cho giáo dục còn nhiều khó khăn song trong 2 năm qua, Cao Lộc đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao kết quả phổ cập và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (QG) và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Cái khó trong công tác phổ cập, nâng cao chất lượng phổ cập cũng như xây dựng trường chuẩn QG ở Cao Lộc giai đoạn 2011-2015 chính là sự phân bố dân cư không đều, nhất là các xã vùng cao, việc huy động trẻ tới trường khó khăn; mặt khác, là địa phương còn nghèo nên việc xây dựng trường chuẩn QG phần lớn dựa vào nguồn lực của nhà nước, trong khi nguồn lực của nhà nước ngày càng bị thu hẹp, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Quán triệt và triển khai Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND huyện với sự tham mưu của Phòng GD&ĐT, trên cơ sở quy hoạch giáo dục, tiến hành rà soát, tính toán cụ thể điều kiện của mỗi địa phương và đề ra kế hoạch sát, đúng, trong đó xác định vai trò của cấp ủy, chính quyền các xã thị trấn có ý nghĩa quyết định của thành công. Về công tác phổ cập, tăng cường tuyên truyền cho người dân đưa con em trong độ tuổi tới trường; nghiêm túc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người đi học, chống tình trạng học sinh không tới trường do nhà nghèo, do không có sách vở. Về xây dựng trường chuẩn QG, Cao Lộc chú trọng khai thác 4 nguồn lực: nguồn của trung ương và của tỉnh, nguồn vốn ngân sách huyện, nguồn tài trợ của các đơn vị, địa phương và nguồn từ sự đóng góp của nhân dân.
Là xã vùng cao, biên giới, địa hình bị chia cắt, dân cư phân tán, xã Mẫu Sơn thuộc diện khó khăn nhất trong công tác phổ cập. Tuy cả xã chỉ có 1 trường phổ thông dân tộc bán trú bao gồm 3 cấp học song địa phương và nhà trường kiên trì duy trì các phân trường lẻ để tiện cho học sinh tới lớp. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị hỗ trợ đắc lực cho nhà trường về huy động trẻ; các thày, cô giáo cố gắng bám phân trường, bám lớp để dạy học. Thầy giáo Tô Minh Đức, Hiệu trường nhà trường cho rằng, việc hoàn thành phổ cập GDTH đúng độ tuổi và phổ cập THCS là kết quả chung trong sự phối hợp tốt giữa nhà trường- gia đình và hệ thống chính trị địa phương. Ông Triệu Sáng Lèn, Chủ tịch UBND xã cho biết, việc phổ cập là nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến nay ở địa phương song nhờ quyết tâm và cách làm đúng, địa phương đã đạt được. Với việc hình thành 2 trường phổ thông dân tộc bán trú và duy trì hợp lý các phân trường lẻ, năm 2011, Cao Lộc đã có 2 xã cuối cùng hoàn thành phổ cập GDTH đúng độ tuổi và duy trì phổ cập THCS. Về xây dựng trường học đạt chuẩn QG, trên cơ sở khảo sát, kiểm tra; một mặt, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trong kế hoạch xây dựng chuẩn phấn đấu đạt các tiêu chí như tỷ lệ giáo viên chuẩn, giáo viên giỏi, tỷ lệ học sinh khá, giỏi và đẩy mạnh xã hội hóa GD. Mặt khác đề nghị Sở GD&ĐT đầu tư có trọng điểm; tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện dành ngân sách huyện đầu tư các công trình cho nhà trường. Cô giáo Nông Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thụy Hùng cho biết: Nằm trong diện phấn đấu chuẩn năm 2011, nhà trường đã động viên đội ngũ hoàn thành 3 tiêu chí là chất lượng lãnh đạo, chất lượng đội ngũ và chất lượng GD; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh xã hội hóa. Trong chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2012, nhà trường được đầu tư 2 dãy lớp học với 10 phòng; ngân sách huyện đầu tư 7 phòng chức năng cộng với dân đóng góp xây thêm 1 phòng chức năng nữa. Kết quả, cuối năm 2011, nhà trường đã hội đủ 5 tiêu chí của trường chuẩn QG và đã được công nhận. Cô nói rằng: “ Phấn đấu đạt chuẩn trong điều kiện một xã mà dân còn nghèo quả là thách thức lớn. Song tăng cường tuyên truyền những lợi ích của trường chuẩn mà con em họ sẽ được hưởng sẽ có tác động tốt đến tinh thần người dân. Vì vậy địa phương đã huy động được 100 triệu đồng để xây dựng phòng thư viện, huy động sức dân đổ 1000m2 sân bê tông xi măng tại phân trường”.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, công tác phổ cập của Cao Lộc đã tăng cả về lượng và chất với 100% số xã đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi, trong đó có 7 xã đạt chuẩn mức độ 2. Có 100% số xã giữ vững chuẩn phổ cập THCS, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS là 84,9%, tăng 3,7% so với năm 2010. Toàn huyện có 12 trường chuẩn QG, trong đó có 1 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 3 trường THCS và 1 trường THPT. Đó là kết quả to lớn trong việc quán triệt sâu, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong 2 năm qua. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã đi vào chiều sâu. Các nhà trường đã quan tâm giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Tăng cường hoàn thiện cơ sở vật chất trường học với 59/63 trường có khuôn viên cây xanh, có đủ bàn ghế phù hợp với học sinh, 100% số trường đảm bảo “3 đủ” cho học sinh yên tâm học tập.
Tuy vậy, chất lượng phổ cập ở một số địa phương của Cao Lộc chưa cao như Mẫu Sơn mới đạt tỷ lệ PCTH đúng độ tuổi 84,6% và tỷ lệ người từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS mới đạt 71,2%, nguy cơ “rớt chuẩn” là rất lớn. Công tác xây dựng trường chuẩn QG còn chậm so với yêu cầu. Những vấn đề đó đang đặt ra cho Cao Lộc những thách thức mới trong duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập cũng như đầu tư xây dựng trường chuẩn QG trong nửa cuối của giai đoạn 2011-2015.
Ý kiến ()