Thực hiện Nghị định 43: Khó khăn trong tự chủ
LSO - Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ (NĐ 43) được ban hành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Từng bước chuyển dần sang hình thức giao nhiệm vụ, giao dự toán trước đây sang hình thức tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, giảm dần việc phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, nhiều đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh vẫn chứa thể hiện tự chủ.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Lạng Sơn
làm nhiệm vụ trong phòng nuôi cấy mô
Bà Đường Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: hiện nay trên địa bàn có một số khó khăn, vướng mắc về thực hiện cơ chế tự chủ. Theo quy định, người đứng đầu đơn vị SNCL là công chức phải được xếp lương theo ngạch công chức. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều công chức là người đứng đầu đơn vị SNCL vẫn hưởng lương theo ngạch viên chức như trưởng đài truyền thanh – truyền hình huyện chưa được xếp ngạch công chức mà chỉ là viên chức nên đương nhiên không được hưởng 25% phụ cấp công vụ. Cùng đó, do nguồn kinh phí cấp hạn hẹp khiến nhiều đơn vị không đủ nguồn chi cho hoạt động trong cả năm. Đơn cử, toàn huyện có 20 trạm y tế xã, mỗi năm chỉ được giao 20 triệu đồng/trạm/năm chi hoạt động thường xuyên. Từ nguồn kinh phí này, các trạm phải chi đủ các khoản như công tác phí, điện, nước… Mặc dù các trạm đã tiết kiệm nhưng cũng không đủ chi. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động.
Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn) cũng có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện NĐ 43. Thầy giáo Đặng Hồng Cường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: trường là đơn vị được nhà nước cấp toàn bộ kinh phí; số thu của đơn vị thấp (chiếm 1,4% tổng kinh phí chi cả năm) nên việc chi trả thu nhập tăng thêm cho CCVC, NLĐ chưa thực hiện được. Điều này dẫn đến thu nhập không đồng đều giữa các cán bộ, giáo viên, nhân viên; có vị trí được hưởng phụ cấp, có vị trí không được hưởng phụ cấp trong khi cùng thực hiện một nhiệm vụ chung là công tác giáo dục – đào tạo. Ví dụ, giáo viên được hưởng thêm các loại phụ cấp: thêm giờ, ưu đãi nghề, thâm niên nghề, trong khi đó, những viên chức ngoài giáo viên (cán bộ thư viện, thí nghiệm, công nghệ thông tin…) lại không được hưởng. Toàn trường có 161 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì có 10% cán bộ, nhân viên không được hưởng các phụ cấp như giáo viên.
Qua tổng hợp từ Sở Nội vụ, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 890 đơn vị SNCL thực hiện Nghị định 43. Theo đánh giá của Sở, sau gần 10 năm thực hiện chính sách này trên thực tế, kết quả đạt được chưa cao. Trước hết, việc tăng nguồn thu, tiết kiệm chi tại các đơn vị sự là không đáng kể, không mang tính ổn định, lâu dài, phụ thuộc vào khối lượng công việc hằng năm nên nguồn kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm cho CCVC, NLĐ tại các đơn vị này không nhiều. Tính mức thu nhập bình quân hằng tháng trong năm 2014 của CCVC, NLĐ tại các đơn vị SNCL trên địa bàn tỉnh chỉ có trên 3,7 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với công chức trong cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện 400.000 đồng/tháng. Ngoài ra cách thức chi trả thu nhập tăng thêm theo hình thức tính toán trên cơ sở phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác của từng người trong năm, trong tháng theo mức A, B, C, D chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính cào bằng. Do vậy chưa thực sự khuyến khích và tạo được động lực cho CCVC, NLĐ tại các đơn vị SNCL nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác.
Việc khó khăn nhất là sử dụng nguồn tài chính được giao tự chủ. Theo lộ trình cải cách tiền lương, các đơn vị sự nghiệp công phải tiết kiệm từ 35%-40% nguồn thu/năm. Yêu cầu này gây khó khăn cho những đơn vị SNCL bởi nguồn kinh phí yêu cầu tiết kiệm lớn trong khi ngân sách cấp chỉ vừa đủ đảm bảo chi dẫn đến việc mở rộng các hoạt động dịch vụ hoặc điều chỉnh mức lương cơ sở, chi trả các khoản phụ cấp phát sinh với những đơn vị tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động là không thể thực hiện. Ví dụ như năm 2013-2014, thực hiện chính sách thu hút đối với CBCCVC ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì phải trả phụ cấp thu hút nhưng do kinh phí được cấp chỉ đủ chi hoạt động thường xuyên trong năm nên các đơn vị SNCL không đảm bảo chi trả khoản phụ cấp trên cho đối tượng đến công tác tại khu vực này. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh cần bổ sung gần 98 tỷ đồng chi trả khoản phụ cấp này cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh đã đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí nhưng đến nay chưa được cấp bổ sung.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tại cuộc làm việc với Đoàn công tác Liên bộ và các Bộ ngành Trung ương (ngày 10/6/2015), Sở Nội vụ Lạng Sơn đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan triển khai kịp thời, thống nhất và toàn diện các nội dung về cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL theo tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các đơn vị SNCL trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hà My
Ý kiến ()