Thứ 4, 27/11/2024 00:30 [(GMT +7)]
Thực hiện Nghị định 134 về chế độ cử tuyển: Cần hài hòa giữa "cử đi" và "đón về"
Thứ 5, 16/08/2012 | 17:16:00 [(GMT +7)] A A
Sự cần thiết mang tính cấp bách là cần chấn chỉnh công tác cử tuyển theo hướng căn cứ vào đội ngũ và quy hoạch phát triển cán bộ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị lên tỉnh, tỉnh đề nghị lên trung ương. Sau khi có thông báo của các trường, Hội đồng tuyển sinh các cấp tiến hành xét tuyển. Chỉ có như vậy mới không lãng phí trong đào tạo và cung cấp đúng cán bộ có trình độ theo nhu cầu của địa phương.
LSO-Là một tỉnh miền núi biên giới có nhiều xã đặc biệt khó khăn, Lạng Sơn coi việc triển khai Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ như là một giải pháp tháo gỡ khó khăn về đội ngũ cán bộ có trình độ cho cơ sở.
Bác sĩ Trạm xá xã Tân Mỹ (Văn Lãng) khám bệnh cho nhân dân
Với số lượng 30-40 em mỗi năm, trong 5 năm qua, tỉnh ta đã cử gần 200 học sinh vào học tại các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) ở Trung ương và khu vực với các ngành kinh tế, luật, nông lâm nghiệp, Công nghiệp… Ngoài ra, mỗi năm Lạng Sơn có khoảng gần 100 học sinh theo học các lớp chính quy theo địa chỉ tại trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2 và ĐHSP Thái Nguyên và hàng chục sinh viên theo học tại các lớp chính quy theo địa chỉ tại Đại học Y khoa Thái Nguyên theo tính chất tạo nguồn. Như vậy, học sinh Lạng Sơn hiện đang học tập tại các trường ĐH, CĐ được hình thành từ 3 nguồn: nguồn tuyển sinh chung, nguồn cử tuyển và tạo nguồn.
Thực hiện Nghị định 134, Hội đồng tuyển sinh từ cấp huyện đến cấp tỉnh đã công khai và minh bạch trong tuyển khâu sơ tuyển, xét tuyển và đã lựa chọn được những học sinh có đủ phẩm chất, tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa để gửi vào các trường ĐH. Tuy vậy, khâu yếu nhất ở tỉnh ta trong thực hiện nguyên tắc cử tuyển là công tác tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học sau khi tốt nghiệp. Và cũng do yếu kém ở khâu này, nên không thể bắt buộc người được cử đi học thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2007 đến năm 2011, chỉ có 79 học sinh cử tuyển về nộp hồ sơ tại Sở Nội Vụ, chiếm trên 40% số học sinh được cử đi học. Trong số này mới có 27 người được bố trí công tác, 52 người còn lại vẫn trong tình trạng…chờ việc. Ông Lưu Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Vạn Thủy (Bắc Sơn) cho chúng tôi biết: “Trong những năm qua xã đã có 4 học sinh đi học diện cử tuyển, 2 em về huyện công tác đều thuộc diện hợp đồng nhiều năm nay. Hiện xã đang có 2 em học tại trường Đại học Luật Hà Nội và ĐH Y khoa Thái Nguyên, 1 em nằm trong quy hoạch cán bộ tư pháp xã, còn 1 em chắc vẫn trong tình trạng tự xin việc và lại hợp đồng dài dài”. Ông Nông Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lân (Lộc Bình) nói rằng, hiện địa phương có 3 cháu đang đi học diện cử tuyển về các ngành kinh tế, nông- lâm nghiệp, công nghiệp. Nhưng khi được hỏi xã có dự định gì để tiếp nhận các cháu, thì được trả lời là “có chỉ tiêu thì cứ cử, còn sau này phân công ra sao thì chưa biết”.
Sở dĩ có chuyện chỉ có “cử” đi mà không có “đón về” là do chúng ta đang thực hiện “quy trình ngược”, tức là tỉnh cứ duyệt số lượng tại các trường và phân bổ cho các huyện; huyện phân bổ cho xã và xã làm nhiệm vụ “cử”, mà hoàn toàn không căn cứ vào nhu cầu cán bộ và sự đề xuất của các xã. Vì vậy mới có chuyện một học sinh ở Bình Gia được cử tuyển vào trường Ngoại giao!
Một trong những nguyên tắc mà Nghị định 134 đặt ra là sau khi tốt nghiệp người học phải được cơ quan, địa phương cử đi học phân công công tác. Tức là công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng. Ngân sách của Nhà nước bỏ ra cho người học cử tuyển bao gồm học bổng và chi phí đào tạo. Nếu tính chi phí trung bình cho mỗi học sinh khoảng 15 triệu đồng mỗi năm, thì ngân sách nhà nước bỏ ra cho đối tượng cử tuyển, cũng đã là hàng tỷ đồng. Đối tượng cử tuyển đã tốt nghiệp chưa được phân công công tác là sự lãng phí lớn về tiền bạc và chất xám. Quan trọng hơn tiền bạc, đó là sự kỳ vọng và niềm tin của đồng bào các dân tộc về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với con em họ.
Sự cần thiết mang tính cấp bách là cần chấn chỉnh công tác cử tuyển theo hướng căn cứ vào đội ngũ và quy hoạch phát triển cán bộ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị lên tỉnh, tỉnh đề nghị lên trung ương. Sau khi có thông báo của các trường, Hội đồng tuyển sinh các cấp tiến hành xét tuyển. Chỉ có như vậy mới không lãng phí trong đào tạo và cung cấp đúng cán bộ có trình độ theo nhu cầu của địa phương.
Minh Hồng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()