Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở Tràng Định: Từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu
(LSO) – Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (9/2/2018) về thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Tràng Định đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực, dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc tang.
Trước năm 2017, việc tổ chức tang lễ trên địa bàn huyện Tràng Định còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: cử nhạc ầm ĩ nhiều giờ trong ngày, cảnh lăn đường, khóc mướn, rải tiền vàng mã… ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của cộng đồng. Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg, ngày 27/4/2018, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang. Từ đó đến nay, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn huyện đã tăng cường tuyên truyền thực hiện NSVM trong việc tang đến 100% cán bộ, đảng viên, trên 80% đoàn viên, hội viên và hộ dân (105 cuộc tuyên truyền lồng ghép với hơn 4.200 lượt người tham gia). Đồng thời, các cấp ủy đảng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với tập trung thảo luận, bàn giải pháp thực hiện các quy định về NSVM trong việc tang, cụ thể hóa thành tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm.
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đề Thám, huyện Tràng Định tuyên truyền cho hội viên và Nhân dân về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Bà Bế Thị Huyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kéo Lày, xã Đề Thám cho biết: Thôn hiện có 91 hộ dân thì có gần 80% số hộ tham gia hội hiếu. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ đã đưa các quy định thực hiện NSVM trong việc tang vào hương ước của thôn và tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên. Đối với đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, chi bộ tiến hành đánh giá và thông báo với cấp ủy nơi công tác trong trường hợp đảng viên chưa chấp hành tốt. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, việc tang lễ trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ rệt với 100% đám tang được tổ chức theo NSVM.
Cùng với đó, 100% thôn, khu phố đã đưa những quy định cụ thể trong việc tang vào hương ước như: tiết kiệm, phù hợp với tập quán, hoàn cảnh gia đình; từng bước xóa bỏ các thủ tục rườm rà, lạc hậu; chỉ tổ chức ăn uống trong nội tộc, dòng họ, hội hiếu; sử dụng vòng hoa, mâm lễ quay vòng; hạn chế đốt, rải vàng mã… Cùng với đó, năm 2020, UBND huyện chọn thôn Nà Phái, xã Đại Đồng để xây dựng mô hình điểm thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang.
Ông Hoàng Thanh Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Phái cho biết: Thôn có 61 hộ dân đều tham gia vào hội hiếu. Được huyện chọn làm điểm thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, thôn đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: lồng ghép trong các buổi họp thôn, họp chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, in 20 tờ rơi dán ở nhà văn hóa thôn và những nơi tập trung đông người, cho 100% hộ dân ký cam kết thực hiện quy định về NSVM. Qua đó, nâng cao nhận thức của Nhân dân, từng bước xóa bỏ những hủ tục rườm rà, mê tín dị đoan.
Để NSVM đi vào chiều sâu, Phòng Văn hóa – Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch giám sát cơ sở thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, tập trung giám sát thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang. Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại 5 xã: Đội Cấn, Quốc Khánh, Quốc Việt, Tân Yên, Khánh Long. Qua đó, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện tốt các quy định về NSVM trong việc tang.
Theo thống kê của phòng VHTT huyện, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có 134/170 đám tang được tổ chức theo NSVM, đạt tỷ lệ 78,8% (mục tiêu đến năm 2020 đạt từ 70% trở lên). Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhận định: Tràng Định là một trong những địa bàn tạo được chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, lễ tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm theo quy định, thời gian tổ chức được rút ngắn xuống dưới 3 ngày, không sử dụng nhạc tang, chỉ tổ chức ăn uống trong gia đình và hội hiếu tham gia phục vụ.
Nhờ đó, đời sống ở các thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện Tràng Định có những chuyển biến tích cực, kết quả năm 2020, toàn huyện có 168/183 thôn, khu phố đạt khu dân cư văn hóa và 12.059/13.130 hộ đạt gia đình văn hóa.
Ý kiến ()