Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới: Chuyển biến tích cực
(LSO) – Những năm qua, với sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nếp sống văn minh trong việc cưới đã được thực hiện nghiêm túc với khoảng 80% lễ cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh, tình trạng tảo hôn, thách cưới, không đăng ký kết hôn vẫn còn phổ biến, nhất là khu vực thôn bản vùng sâu, vùng xa; nghi thức cưới một số nơi còn rườm rà, tốn kém. Triển khai Nghị quyết số 14 ngày 4/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện việc không tổ chức mời khách ăn “bữa phụ” trước tiệc cưới, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã tổ chức triển khai việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới lồng ghép trong triển khai thực hiện phong trào. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) là cơ quan thường trực của BCĐ đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; phối hợp với ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân, các cấp, ngành thành viên xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình thực hiện. Cụ thể: từ năm 2006 đến nay, BCĐ tỉnh và ngành thường trực đã ban hành trên 50 văn bản, tổ chức 9 hội nghị sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện, 7 đợt kiểm tra hoạt động phong trào.
Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn phối hợp tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh cho các tăng ni, phật tử
Cùng với đó, BCĐ các huyện, thành phố đã ban hành trên 1.000 văn bản; tổ chức 58 hội nghị sơ kết; thực hiện 36 đợt kiểm tra tại cơ sở. BCĐ cấp xã, phường, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, hằng năm đều ban hành văn bản triển khai thực hiện phong trào, trong đó, việc cưới đưa vào nội dung hương ước, quy ước thôn, khối phố và bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Với sự vào cuộc đồng bộ đó, đến nay, theo nhận định của cơ quan thường trực BCĐ, toàn tỉnh có hơn 80% số đám cưới từ đầu năm 2018 đến nay thực hiện theo nếp sống văn minh, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, thủ tục đơn giản, đảm bảo các quy định của nhà nước về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Số đám cưới tổ chức ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí còn không đáng kể.
Bà Phùng Thị Vân (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình) cho biết: Tháng sau gia đình tôi tổ chức cưới vợ cho con trai. Mọi người vẫn quan niệm “con đầu cháu sớm” phải làm hoành tráng nhưng tôi nghĩ là không cần thiết, quan trọng làm sao các con vui vẻ, hạnh phúc, không nên bày vẽ.
Từ nhận thức đúng đắn của các hộ gia đình, số lượng mâm cỗ cưới cũng giảm theo. Chị Nông Thị Toàn, Phó Giám đốc Nhà hàng Hoa Sim (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Nhà hàng vẫn thường xuyên nhận làm cỗ cưới. Trước đây, các gia đình thường đặt nhiều mâm và tổ chức bữa phụ linh đình nhưng những năm gần đây, số lượng mâm ngày càng giảm. Bình quân mỗi đám cưới giờ chỉ đặt 40 – 50 mâm và phần lớn không đặt bữa phụ.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn số ít đám cưới chưa thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới như: thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, tổ chức nhiều mâm, dài ngày lãng phí tốn kém… Thêm vào đó, hiện tượng không đăng ký kết hôn, kết hôn cận huyết thống ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho BCĐ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa; nghiên cứu đề xuất chế tài xử lý đối với các trường hợp tổ chức cưới xin xa hoa, lãng phí cũng như biện pháp nhân rộng các điển hình tiên tiến về tổ chức việc cưới văn minh, vừa trang trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống vừa đảm bảo tiết kiệm, gọn nhẹ.
Ý kiến ()