Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới
LSO-Qua gần 12 năm tuyên truyền, vận động thực hiện Quyết định số 308/2005 ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, đại bộ phận gia đình trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đám cưới với những đổi thay tích cực. Trong tổng số 64.184 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, thì đã có 60.208 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Tục lễ hỏi đám cưới trên địa bàn thành phố |
Phối hợp triển khai, tuyên truyền, vận động
Trong những năm qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Quyết định 308, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới về việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động đã tích cực, tự nguyện hưởng ứng thực hiện có hiệu quả thông qua các phong trào; qua đó góp phần tiết kiệm, duy trì những nét đẹp văn hóa, thuần phong, mỹ tục phù hợp với đạo lý, tư tưởng nhân văn trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã phối hợp với các đơn vị tham mưu ban hành 315 văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Riêng ngành văn hóa đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Các cấp hội cũng tích cực hưởng ứng, hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động trên 90% cán bộ, hội viên ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Tỉnh đoàn ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện về việc cưới văn minh tiết kiệm trong đoàn viên thanh niên.
Ông Bùi Quang Vinh, Bí thư chi bộ khối III, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Thực hiện nghiêm túc các quy định, tin chắc rằng cách thức tổ chức đám cưới trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều thay đổi, các nghi thức truyền thống, phong tục tốt đẹp sẽ được gìn giữ và phát huy.
Những chuyển biến tích cực
Trước đây, các nghi thức đám cưới ở nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn rườm rà, tổ chức nhiều mâm cỗ, dài ngày tốn kém, đến nay nhìn chung việc tổ chức đám cưới đã có xu hướng gọn, đơn giản hơn. Tại các phường, xã, khu vực nông thôn, trong đám cưới không sử dụng nhạc sống, gây ồn ào sau 22 giờ, một số vùng còn vận động nhân dân không tổ chức tiệc cưới linh đình dài ngày, không mời thuốc lá, giảm rượu, bia.
Hiện nay, tại thành phố Lạng Sơn và một số khu vực thị trấn, xã thuộc các huyện: Bắc Sơn, Lộc Bình, Đình Lập… đã tổ chức việc cưới gọn nhẹ, văn minh trong 1 ngày. Một số dân tộc thiểu số trên địa bàn hầu như vẫn giữ được việc mặc trang phục cưới truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, một số nét đẹp tập tục truyền thống được phát huy như: thủ tục cho cô dâu ra cửa, tục lại mặt nhận rể mới và hát mừng đám cưới bằng hình thức văn nghệ dân tộc…
Để các thủ tục có tính phong tục tập quán như: chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu, trang trí lễ cưới, tổ chức ăn uống tiết kiệm phù hợp với văn hóa dân tộc, đòi hỏi các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Cưới văn minh, tiết kiệm trong thanh niên”.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()