Thực hiện nếp sống văn minh trong ngày Tết ông Công, ông Táo
LSO-Trong những cái tết truyền thống của Việt Nam thì Tết ông Công, ông Táo là một cái tết quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Trong ngày tết này có nhiều nghi lễ được thực hiện trong đó có tục thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời vẫn được nhiều gia đình duy trì thực hiện. Ẩn trong đó là những ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc...
Khu vực thả cá tại Bến đá Kỳ Cùng (cạnh Chùa Thành) đã được bố trí sẵn các thùng đựng rác phục vụ người dân đến thả cá |
Cuốn “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999 viết: “Cuối năm, 23 tháng Chạp là ngày Tết ông Táo, các gia đình sắm 2 mũ ông, 1 mũ bà để cúng bộ ba Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kì cùng với cá chép để ông lên chầu Trời (người du mục thì đi ngựa, còn người vùng nông nghiệp sông nước thì cưỡi cá!). Mở đầu bằng tết Nguyên đán, kết thúc bằng Tết ông Táo, để rồi đêm 30, ông Táo lại trở về cùng gia đình bước vào năm tiếp theo – hệ thống lễ tết làm thành một chu trình khép kín…”.
Cuốn sách cũng giải thích rõ: trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn có tục thờ Thổ Công. Theo đó, “Thổ Công là một hình tượng bộ ba, truyện thường được kể dưới nhan đề Sự tích ông đầu rau (hay Sự tích thần Bếp) với nhiều dị bản khác biệt về chi tiết. Đại để là ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, chồng phải đi làm ăn, đã nhiều năm trôi qua vẫn bặt tin không thấy về. Người vợ để tang chồng rồi nối duyên với người đã cưu mang mình. Một hôm, trong khi chồng mới đi vắng thì chồng cũ sau bao năm bặt tin bỗng trở về. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than… Rồi để tránh tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Chồng mới về vào bếp lấy tro bón ruộng không có, bèn ra đốt đống rơm, vô tình giết chết người chồng cũ. Thấy chồng cũ chết oan trong đống rơm, người vợ thương xót quá bèn nhảy vào lửa cùng chết. Chồng mới thấy vậy, tuy không hiểu đầu đuôi, nhưng vì thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo. Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa bèn phong cho cả ba cùng làm Vua Bếp (Táo Quân, ông Táo, do vậy mà bếp có ba ông đầu rau) để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và vợ là Thổ Kì trông coi việc chợ búa…
Qua đây, chúng ta phần nào hiểu được ý nghĩa rất cụ thể, nhân văn của ngày Tết ông Công, ông Táo vào 23 tháng chạp hằng năm trong hệ thống lễ tết của người Việt. Không chỉ có vậy, thả cá còn mang ý nghĩa “phóng sinh”…
Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian của người dân, thực hiện nếp sống văn minh, trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt tại thành phố Lạng Sơn, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai nhằm đảm bảo cho hoạt động thả cá của người dân được an toàn, ý nghĩa cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan. Cụ thể như, các đoàn viên thanh niên tình nguyện đã trực tiếp có mặt tại khu vực người dân hay thả cá như chân cầu Kỳ Cùng, khu vực ngầm Thác Trà để hướng dẫn người dân “thả cá, không thả túi ni-lông”. Sau khi thả cá xong túi ni-lông được bỏ vào thùng rác được bố trí sẵn. Cùng với đó, người dân còn được hướng dẫn hóa vàng, chân hương… đúng nơi quy định.
Băng rôn tuyên truyền hướng dẫn người dân đến thả cá Tết ông Công, ông Táo tại địa điểm quy định |
Năm nay cũng vậy, nhằm đảm bảo cho hoạt động thả cá của người dân xuống sông Kỳ Cùng tại khu vực thành phố Lạng Sơn được văn minh, an toàn, nhiều ngày qua, các băng rôn hướng dẫn lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo và hóa giải các đồ thờ cúng “bảo vệ môi trường sông Kỳ Cùng” tại Bến đá Kỳ Cùng (cạnh Chùa Thành)… đã được treo ở những vị trí dễ quan sát để người dân nắm bắt, hưởng ứng. Qua trò chuyện, chúng tôi thấy rằng, nhiều người dân rất ủng hộ cách làm này. Anh Vũ Huy Khiêm, ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho rằng: Việc chủ động hướng dẫn người dân thực hiện thả cá và hóa giải các đồ thờ cúng tại địa điểm quy định là rất cần thiết. Qua đó, đảm bảo nếp sống văn minh nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng tình với cách làm trên, bác Nông Thị Minh, ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho rằng: Hoạt động trên cần được duy trì thường xuyên và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cho mọi người hưởng ứng…
Có thể thấy, mỗi cái tết truyền thống hằng năm là một lần nhắc nhở chúng ta nhớ về nguồn cội và những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc. Từ đó có cách ứng xử phù hợp, hình thành nếp sống văn minh, nhân lên những giá trị truyền thống tốt đẹp.
HOÀNG HÀ
Ý kiến ()