1
89
5027780
159
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 4: Bảo vệ vững chắc Tổ quốc - Điều kiện tiên quyết để đất nước bứt phá vươn mình - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/thuc-hien-muc-tieu-chien-luoc-100-nam-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-100-nam-thanh-lap-nuoc-bai-4-bao-ve-5027780.html
longform
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 4: Bảo vệ vững chắc Tổ quốc - Điều kiện tiên quyết để đất nước bứt phá vươn mình

Cover

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Trong đường lối huy động sức mạnh dân tộc của Đảng, quốc phòng, an ninh và đối ngoại luôn được xác định là những trụ cột quan trọng, lĩnh vực cơ bản, trọng yếu, thường xuyên. Sự gắn kết chặt chẽ ba trụ cột này có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ở một cấp độ mới, trình độ mới, đưa Việt Nam tiến kịp, tiến cùng thời đại.

Vì vậy, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, nhận định chính xác tình hình, đề ra đường lối, sách lược với tư duy và tầm nhìn mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Những năm qua, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thử thách; nguy cơ can thiệp từ bên ngoài, mất ổn định từ bên trong; tình hình biển, đảo căng thẳng, phức tạp có lúc dường như xung đột, chiến tranh đã cận kề, nhưng đất nước ta vẫn đứng vững và đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Thành tựu đó đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, đó là: Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín quốc tế được nâng cao….

Ngược dòng thời gian về những năm cuối thế kỷ XX khi mô hình các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trật tự thế giới hai cực bị phá vỡ, xung đột địa chính trị bùng phát ở nhiều nơi, vấn đề ý thức hệ được thay thế bởi lợi ích quốc gia dân tộc…

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 19-8-2024. Ảnh: PHẠM KIÊN

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 25-9-2024. Ảnh: Lâm Khánh

Trước bối cảnh đó, Đại hội lần thứ VII (1991), sau đó là Đại hội lần thứ IX (2001) của Đảng khẳng định Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của thời kỳ chiến tranh lạnh; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cùng những nguy cơ về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn thường trực, tư duy “bạn - thù”, “địch - ta” vẫn còn khá nặng nề.

Một câu hỏi lớn được đặt ra, trong khi chúng ta vừa muốn làm bạn, đối tác tin cậy với các nước, lại phải ứng phó với các nguy cơ, âm mưu chống phá; chúng ta xác định làm bạn, là đối tác thì trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đấu tranh với ai, kẻ thù nào?

Vướng mắc này đã được tháo gỡ tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) với quan điểm mang tính đột phá về “đối tác, đối tượng”, qua đó mở đường chỉ đạo chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế. Theo đó: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh”. Đồng thời, với quan điểm biện chứng, Đảng ta cũng chỉ rõ trong đối tác có đối tượng và ngược lại; trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; và trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn cần phải đấu tranh.

Ảnh tràn viền

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam (25-10-2024). Ảnh: NGÔ VIỆT TRUNG

Từ quan điểm này, chúng ta đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; xây dựng lòng tin chiến lược với các quốc gia, giải quyết các thách thức an ninh chung, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình; tranh thủ nguồn lực bên ngoài để củng cố, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, đóng góp vào giữ gìn hòa bình thế giới. Gắn bảo vệ độc lập, tự chủ của đất nước với bảo vệ hòa bình, chúng ta thực hiện được các mục tiêu đã xác định mà vẫn tránh được chiến tranh, xung đột, giữ được hòa khí và nâng tầm quan hệ với các nước. Trong bảo vệ Tổ quốc, quân sự là biện pháp "cực chẳng đã" chúng ta đã buộc phải làm và giành thắng lợi, nhưng cái giá phải trả rất lớn; bảo vệ Tổ quốc mà không phải tiến hành chiến tranh, vẫn giữ được hòa bình, ổn định để phát triển mới khó. Thực tế chúng ta đã làm rất tốt việc này nhờ bước chuyển mang tính đột phá về tư duy, theo Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, đó là chuyển từ tư duy nhận thức về quân sự là chủ yếu sang tư duy nhận thức về quốc phòng là chủ yếu và ngày càng hoàn thiện tư duy về quốc phòng.

Ảnh tràn viền

Ảnh trái: Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Phó tổng thống, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum ngày 28-10-2024. Ảnh: TTXVN. Ảnh phải: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Lý Cường ngày 13-10-2024. Ảnh: TRỌNG HẢI

Từ đó, tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng thường xuyên được chăm lo xây dựng. Với quan điểm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, công tác xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân đã huy động mọi nguồn lực tham gia và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân được nâng lên. Công nghiệp quốc phòng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.

Thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm thay đổi lực lượng sản xuất. Nền kinh tế số, người máy thông minh và trí tuệ nhân tạo, các thách thức an ninh phi truyền thống tác động mạnh mẽ đến an ninh và phát triển, làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các quốc gia. Tiếng nói và vai trò của các chủ thể phi nhà nước, như các tập đoàn nắm giữ nguồn lực, công nghệ chủ chốt, các tổ chức phi chính phủ, ngày càng được nâng lên. Quan điểm về chủ quyền quốc gia không chỉ còn theo ý nghĩa truyền thống, mà đã được mở rộng bao gồm không gian mạng, dưới mặt biển, bầu trời và vũ trụ. Ngày nay, an ninh quốc gia không chỉ bao gồm chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại... mà bao hàm an ninh kinh tế, chuỗi cung ứng, an ninh môi trường, tài nguyên số, dữ liệu....

Thực tế đó tất yếu dẫn tới sự thay đổi, mở rộng về phương thức bảo vệ an ninh quốc gia và quan niệm về sức mạnh quốc gia không chỉ được tạo nên từ sức mạnh truyền thống như quân đội, nền kinh tế, thương mại…, mà còn là sức mạnh mềm, sức mạnh văn hóa, thông tin, ngoại giao. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng của các nước lớn diễn ra linh hoạt, nhiều chiều dẫn đến sự phân tuyến, phân cực trong quan hệ quốc tế. Trào lưu chống toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chính trị làm gia tăng sức ép “tự chủ chiến lược”. Luật pháp quốc tế bị diễn giải tuỳ tiện, các thể chế đa phương đối mặt nhiều thách thức, xuất hiện những “tiểu đa phương” mới...

Ảnh tràn viền

Những biến động và chuyển dịch kể trên tạo ra các tác động nhiều chiều đến các nước vừa và nhỏ. Đối với Việt Nam, thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó thuận lợi là căn bản khi hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính. Ở trong nước, theo Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chúng ta có nhiều thuận lợi: Chính trị, xã hội ổn định; kinh tế phát triển tạo nền tảng vật chất cho quốc phòng, an ninh, nhất là cho hiện đại hóa quốc phòng; hợp tác quốc tế được mở rộng; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước chưa bao giờ có được như ngày nay.

Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách của các nước do nằm ở cửa ngõ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhờ mạng lưới hiệp định tự do rộng khắp, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và định vị mình trong quan hệ với các nước. Cục diện đối ngoại rộng mở và thế cân bằng chiến lược được duy trì khi ngày càng có nhiều nước quan tâm đến khu vực. Chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế vẫn được coi trọng, đề cao, giúp Việt Nam tiếp tục có công cụ trong quan hệ quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. Cạnh tranh giữa các nước lớn tuy gia tăng, nhưng về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, chưa dẫn tới xung đột, đối đầu quân sự trực diện.

Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế đang gặp thách thức tạo ra khó khăn cho việc duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa cũng như việc đẩy mạnh nâng tầm đối ngoại đa phương và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó các thách thức an ninh phi truyền thống như các loại dịch bệnh, an ninh mạng, nguồn nước, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề già hóa dân số... tác động ngày càng lớn tới môi trường an ninh và phát triển.

Ảnh tràn viền

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 19 (tháng 6-2022).

Ảnh tràn viền

Ảnh trái: Trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8, ngày 12-4, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng hai nước đã đến thăm Đại đội 27, Lữ đoàn Biên phòng 314 ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Trọng Hải
Ảnh phải: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ hai (23-10-2024). Ảnh: Trọng Hải

Ảnh tràn viền

Ảnh trái: Thượng tướng Thongloi Silivong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm TCCT QĐND Lào đón Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) QĐND Việt Nam (26-8-2024). Ảnh phải: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương (nay là Đại tướng), Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp Đại tướng Lee Young Su, Tham mưu trưởng Không quân Hàn Quốc nhân dịp thăm, làm việc tại Việt Nam ngày 27-9-2024.

Ngoài ra, theo Trung tướng, PGS, TS. Trần Thái Bình các khó khăn, thách thức về tình hình biên giới, biển, đảo và tình hình trong nước vẫn còn tồn tại những nhân tố có thể gây mất ổn định, trong khi nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bốn nguy cơ lớn mà Đảng chỉ ra vẫn còn hiện hữu.

Vì vậy, trước những biến động của tình hình thế giới, cần nhìn nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc với những nội hàm mở rộng hơn, như an ninh con người, an toàn của người dân, doanh nghiệp; tự chủ chiến lược, an ninh chuỗi cung ứng; bảo vệ môi trường; hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, quan điểm về “đối tác, đối tượng”, cần nhận diện rõ hơn, có thể bao gồm cả chủ thể phi quốc gia; các chủ thể nhân tạo như “trí tuệ nhân tạo”; “đối tượng” từ trong nội bộ, bảo vệ Tổ quốc từ bên trong, đó là tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quan điểm về an ninh mở rộng ra các lĩnh vực mới như không gian mạng, bầu trời, không gian vũ trụ, không gian số.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Để hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm như nghị quyết Đại hôi XIII của Đảng đã xác định, theo GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, điều kiện tiên quyết là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Để tự vệ, bảo vệ hòa bình cho đất nước, cần tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần tự lực, tự cường. Đồng thời tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; gắn lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích của cộng đồng quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tăng cường sức mạnh tổng hợp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế vì hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng của nhân loại.

Ảnh tràn viền

Cùng quan điểm này, Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình cho rằng, chúng ta cần phát triển kinh tế, bảo đảm ngày càng tốt hơn cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển sức mạnh quân sự Nhà nước, trọng tâm là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nhất là hiện đại hóa Quân đội, đảm bảo đủ sức răn đe từ thời bình và đánh thắng khi buộc phải tiến hành chiến tranh. Đồng thời, phát huy sức mạnh mềm cùng với sức mạnh cứng hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong đó, một trong những cơ sở quan trọng là tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với quan điểm không ngừng mở rộng đối tác, thu hẹp đối tượng, “thêm bạn, bớt thù”.

“Khi tình hình thế giới, khu vực đang có diễn biến nhanh chóng, phức tạp khó dự báo, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cần có sức mạnh cần thiết. Coi trọng xây dựng về quốc phòng với chủ động, tích cực đấu tranh về quốc phòng, nhất là đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Giải pháp có tính đột phá là: Coi trọng bảo vệ tổ quốc “từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, phải thấy trước, tìm giải pháp ứng phó, kiểm soát nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại từ xa. Chủ động ngăn ngừa các đột biến bất lợi từ bên trong, các nguy cơ xung đột và chiến tranh”, Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình cho biết.

Ảnh tràn viền

Trên trường quốc tế, Liên hợp quốc và bạn bè thế giới luôn luôn đánh giá cao Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, có nhiều đóng góp tích cực tại Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Nam Sudan.

Để nâng cao sức mạnh quân sự, Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình cho rằng cần tiếp tục xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, “tinh, gọn, mạnh”; hiện đại về trang bị, coi trọng các loại vũ khí đánh ở tầm cao, tầm xa, trên biển, dưới ngầm, đánh đêm, các loại vũ khí chiến lược, các phương tiện không người lái, tác chiến điện tử. Nghiên cứu phát triển lý luận và thực tiễn nghệ thuật tác chiến, coi trọng tác chiến hiện đại, nhưng không coi nhẹ tác chiến chiến tranh nhân dân.

Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh quân đội đủ khả năng và trên thực tế đã thể hiện là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vì vậy thời gian tới vai trò này cần được cụ thể hóa, bổ sung, hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

GS, TS Phùng Hữu Phú nhận định, trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần kết gắn chặt chẽ, thường xuyên tương tác, hỗ trợ lẫn nhau tạo thành thế chân vạc. Quốc phòng, an ninh vững mạnh tạo thế và lực để tăng cường đối ngoại; đẩy mạnh đối ngoại để phát huy sức mạnh của quốc phòng, an ninh nhằm thực hiện mục tiêu thống nhất: Chủ động bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không để bị động, bất ngờ; hóa giải những nguy cơ, thách thức có thể dẫn đến xung đột từ bên trong và đến từ bên ngoài. Sự kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với đối ngoại gắn liền với sự kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại với kinh tế, văn hóa, xã hội, với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân.

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 5-11-2022.

Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình cũng cho rằng, trong sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của quốc phòng, an ninh, đối ngoại là trực tiếp và cơ bản. Mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh là mối quan hệ giữa chống thù trong với đánh giặc ngoài. Vì vậy, từng lĩnh vực phải được xây dựng vững mạnh, phối hợp chặt chẽ trên cơ sở phát huy tốt nhất thế mạnh của từng lĩnh vực, trong một cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất, thường xuyên, hiệu quả với tinh thần tích cực, chủ động. Phát huy vai trò trung tâm phối hợp hiệp đồng của từng lực lượng trên từng lĩnh vực.

Bước vào thời kỳ mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; giữ cho trong ấm, ngoài êm, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa lâm nguy; “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở kiên trì các biện pháp hòa bình; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng “bốn không”; thêm bạn, bớt thù, giữ vững cân bằng chiến lược, xử lý tốt quan hệ với các nước lớn; xây dựng “thế trận lòng dân' vững chắc...

Đây chính là cơ sở vững chắc, cũng là những giải pháp vừa cụ thể vừa chiến lược để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đã định.

Ảnh tràn viền