1
89
5027772
158
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 3: Xây dựng lực lượng, quan hệ sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/thuc-hien-muc-tieu-chien-luoc-100-nam-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-100-nam-thanh-lap-nuoc-bai-3-xay-dun-5027772.html
longform
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 3: Xây dựng lực lượng, quan hệ sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới

Cover

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Khẳng định đất nước có đầy đủ cơ sở để bước vào thời kỳ phát triển mới về kinh tế, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược được nêu ra tại văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, TS Nguyễn Hồng Quân (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng nếu có chiến lược và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động từ sớm, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ vươn lên, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thành công. Tuy nhiên, Đảng cần bổ sung lý luận về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong thời kỳ mới, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện trí tuệ nhân tạo (AI). Đây cũng là vấn đề quan trọng để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong giới trẻ...

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Hồng Quân, tại Hội nghị lần thứ 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất cao với nhận định: Nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập Nước. Đây là nhận định quan trọng, làm cơ sở để Đảng và Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển mới nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược ấy, phải dựa vào sức mạnh của nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế là then chốt. Là người nghiên cứu sâu về kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng, ông đánh giá thế nào về cơ sở kinh tế để Trung ương đưa ra nhận định này?

Ảnh tràn viền

TS Nguyễn Hồng Quân (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương).

TS Nguyễn Hồng Quân: Từ năm 1986, chúng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã thống nhất nhận định: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đổi mới”. Chính những thành tựu này là cơ sở quan trọng để Trung ương đưa ra nhận định nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, chúng ta có thể gọi là thời kỳ hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.

Thứ nhất, về nội lực, kinh tế nước ta phát triển ổn định, với mức tăng trưởng bình quân luôn thuộc nhóm cao trên thế giới. Nhờ tăng trưởng, chúng ta tích lũy được vốn và năng lực sản xuất đáng kể. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, lực lượng lao động cũng tích lũy được vốn tri thức.

Về cơ cấu kinh tế, Việt Nam đã chuyển dịch thành công từ nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp sang nền kinh tế mà công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 79,9% (theo số liệu 9 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê). Sự chuyển dịch này giúp tái cấu trúc lực lượng lao động.

Về xuất khẩu, trước đây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô. Hiện nay, chúng ta đã đầu tư mạnh vào khâu chế biến để nâng cao chất lượng xuất khẩu. Nhờ tích cực tìm kiếm thị trường mới và củng cố thị trường hiện có, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao, gần đây thường xuất siêu. Nhờ đó, chúng ta tích lũy được ngoại tệ, tăng cường nội lực cho nền kinh tế.

Ảnh tràn viền

Nguồn: TTXVN

Về đầu tư, các nguồn lực đầu tư xã hội ngày càng mạnh mẽ nhờ kết quả tích lũy và phát triển. Năm 2023, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư khu vực Nhà nước đạt khoảng 953,6 nghìn tỷ đồng; khu vực ngoài Nhà nước đạt khoảng 1.919,7 nghìn tỷ đồng; khu vực FDI đạt khoảng 550,2 nghìn tỷ đồng. Nếu coi vốn FDI là ngoại lực, thì vốn đầu tư nội lực của chúng ta đạt 2.873,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023.

Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam có những nền tảng quan trọng. Ngày 26-9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá. Gần đây, cùng với thế giới, Việt Nam đã tiếp cận các công nghệ mới nhờ cú huých từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được xây dựng, triển khai bài bản, đạt nhiều kết quả tích cực.

Lực lượng lao động cũng có sự thay đổi đáng kể về chất lượng, với việc đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm và kế hoạch dài hạn. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học Việt Nam cũng đã rất nhanh nhạy thành lập khoa chuyên ngành đào tạo chuyên sâu...

Thêm vào đó, sự ổn định chính trị giúp chúng ta có sự nhất quán về đường lối, chính sách phát triển-đây là nguồn lực nội sinh quan trọng. Muốn phát triển, nội lực phải đủ mạnh bởi nếu “sức khỏe” yếu thì khó mà vượt lên được.

Ảnh tràn viền

Thứ hai, về ngoại lực. Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn, với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng nhờ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số. Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn FDI đăng ký đạt 94,98 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 65,32 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, cao nhất trong 9 tháng của 5 năm qua, vượt cả thời điểm trước dịch Covid-19.

Tóm lại, sau gần 40 năm đổi mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tôi cho rằng đó là những cơ sở vững chắc để Trung ương nhận định như vậy.

Ảnh tràn viền

Việt Nam đã chuyển dịch thành công từ nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp sang nền kinh tế mà công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 79,9%.

Phóng viên: Ông vừa đề cập một chi tiết rất thú vị rằng muốn phát triển thì phải có đủ "sức khỏe". Tích xưa chúng ta có câu chuyện Thánh Gióng để minh họa cho quan điểm này. Thánh Gióng đã vươn mình sau khi ăn "bảy nong cơm, ba nong cà", cho thấy cần phải có sự tích lũy rất lớn mới có thể vươn lên...

TS Nguyễn Hồng Quân: Đúng như vậy. Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cả về "thể lực", "trí lực" và mọi điều kiện cần thiết, bao gồm cả quan hệ bạn bè, đối tác. Thánh Gióng cũng là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với chi tiết dân làng lũ lượt mang gạo, ngô, khoai, sắn, bánh trái đến để Thánh Gióng tích lũy thể lực, trí lực. Vì vậy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn và quan trọng của Việt Nam, là nền tảng cho thời kỳ phát triển mới của dân tộc.

Ảnh tràn viền

Phóng viên: Những cơ sở và nền tảng mà ông vừa nhắc tới là thuận lợi rất lớn khi Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi luôn là những khó khăn, thách thức. Theo ông, trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức như thế nào, và làm thế nào để có thể hóa giải thành công, thậm chí biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực để phát triển?

TS Nguyễn Hồng Quân: Ngay trong từng thuận lợi cũng tiềm ẩn những thách thức. Chẳng hạn, chúng ta tham gia rất nhiều FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới. Nhưng nếu không tiếp cận và tận dụng sớm những lợi ích, lợi thế mà các FTA mang lại; không xác định được những mắt xích quan trọng của nền kinh tế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì chúng ta sẽ không thể tận dụng chúng để thay đổi, biến chuyển các yếu tố nội tại. Thậm chí, Việt Nam còn có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ của các nước khác. Nghĩa là, nếu không tận dụng thành công, chúng ta không những không mở rộng được thị trường, mà còn thua ngay trên sân nhà.

Ảnh tràn viền

Tham gia các thỏa thuận thương mại về song phương và đa phương với các nước, đặc biệt là tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đa phương đã tạo cho Việt Nam lợi thế trong việc duy trì chuỗi cung ứng cũng như đà kinh tế, thương mại của mình để tiếp tục phát triển.

Khi hội nhập sâu rộng, làm thế nào để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, "hòa nhập nhưng không hòa tan"? Chúng ta phải hết sức cẩn trọng với vấn đề này. Đồng thời, phải tiến hành nghiên cứu bài bản kinh nghiệm của thế giới, kinh nghiệm của nước ta, phân tích những yếu tố then chốt để có chiến lược phù hợp và chủ trương rõ ràng.

Về chuyển đổi số, chúng ta đang ở tầng công nghệ thứ tư với nền tảng công nghệ thông minh hơn, kết nối rộng hơn. Trước đây, chúng ta chỉ quen với khái niệm tích lũy tư bản, nhưng nay xuất hiện những khái niệm mới như tích lũy tri thức. Trong thời đại Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, dữ liệu điện tử là vô cùng quan trọng. Tất cả thông tin, dữ liệu về từng người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở Việt Nam đều nằm trên không gian mạng. Những dữ liệu đó vốn là của Việt Nam, nhưng các quốc gia khác có thể tiếp cận, sử dụng, tích lũy tri thức từ chính những dữ liệu của chúng ta, khai thác để tạo ra lợi nhuận. Vậy, chúng ta phải xử lý vấn đề này như thế nào?

Ví dụ, ChatGPT là một nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) rất phổ biến, trở thành "trợ lý ảo" cho nhiều người. Khi sử dụng, người dùng phải nhập dữ liệu để ChatGPT xử lý, tạo ra sản phẩm theo yêu cầu. Trong quá trình đó, ChatGPT liên tục tích lũy dữ liệu và tri thức. Sau đó, ChatGPT lại sản xuất ra tri thức để kinh doanh, bán lại cho chính những người đã cung cấp dữ liệu.

Điều này đặt ra câu hỏi: Sản phẩm do AI tạo ra thuộc bản quyền của AI, thuộc về chủ sở hữu AI, hay thuộc về người nhập dữ liệu và yêu cầu AI xử lý? Đây là vấn đề chúng ta phải giải quyết, cần cập nhật thể chế, pháp luật. Đây cũng là một vấn đề khi nghiên cứu về quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất trong bối cảnh hiện nay.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhận diện những thách thức này để có sự chuyển hướng kịp thời, định hướng nghiên cứu nhằm tạo ra những công nghệ AI tương tự, thậm chí đón đầu xu hướng mới, thuộc sở hữu của Việt Nam. Không thể để nguồn tài nguyên dữ liệu vô cùng phong phú của nước ta rơi vào tay nước ngoài, vừa không bảo đảm an ninh thông tin, vừa bỏ lỡ cơ hội kinh doanh từ nguồn tài nguyên quý giá đó.

Ảnh tràn viền

Nhiều trí thức học tập ở nước ngoài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu về làm việc cho Tập đoàn Vingroup.

Cùng với đó, chúng ta cần phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng để có giải pháp tăng cường năng lực sản xuất từ khối doanh nghiệp trong nước. Khối FDI chiếm khoảng 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2023, nhưng xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD, tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tới 56,07% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng hiệu quả đầu tư ra sao? Làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này, từ đó nâng cao tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, xuất khẩu? Đây chính là nguồn nội lực quan trọng. Việc tăng cường sức mạnh cho nguồn nội lực này để có sức bật mạnh mẽ hơn là hết sức cần thiết để chúng ta phát triển thành công về kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội phát triển và AI ngày càng hoàn thiện, chủ thuyết của chúng ta cũng phải tiến lên. Chúng ta cần định hình lại tầm vóc của lực lượng sản xuất, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Từ đó, chúng ta có cơ sở để chủ động nắm bắt cơ hội hiệu quả, tận dụng lợi thế nhiều hơn ở tầng công nghệ thứ tư.

Phóng viên: Từ đầu đến giờ, chúng ta đã thảo luận nhiều về cơ hội, thuận lợi, khó khăn và thách thức trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Nói theo ngôn ngữ quốc tế, đó chính là việc làm thế nào để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình". Trên thế giới, có những quốc gia đã vượt qua bẫy này thành công, nhưng cũng có nước thất bại. Vậy, chúng ta có thể rút ra bài học gì từ các quốc gia đi trước, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Quân: Nôm na, khi một nền kinh tế bị mắc kẹt trong khoảng thu nhập bình quân từ 4.000 đến 12.000 USD quá lâu, không còn sức vươn lên nhóm các nước thu nhập cao, thì gọi là rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". Khi đạt đến mức thu nhập đó, họ xuất hiện sức ỳ, nguồn lực và kết cấu kinh tế không còn động lực tăng trưởng.

Trên thế giới, nhiều nước đã vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" thành công, nhưng cũng có không ít ví dụ điển hình trở thành "nạn nhân" của bẫy này. Bài học kinh nghiệm từ con đường của mỗi nước không thể sao chép nguyên xi để áp dụng vào Việt Nam, nhưng là kênh tham khảo quan trọng để chúng ta bứt phá.

Bài học quan trọng nhất là phải xác định mỗi yếu tố phát triển đều có tính chu kỳ, nên cần nhận diện sớm để đề ra chiến lược tận dụng "thời cơ vàng" của yếu tố đó, đồng thời chuẩn bị sẵn phương án khi nó dần mất lợi thế. Ví dụ, chúng ta có "dân số vàng" nhưng chỉ trong một giai đoạn nhất định trước khi chuyển sang "dân số già". Vậy, chúng ta phải có chiến lược tận dụng lợi thế của giai đoạn dân số vàng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc thay đổi vốn lao động, chuyển hóa lao động trong giai đoạn sau, tìm ra các động lực tăng trưởng mới, liên tục khai thác dư địa tăng trưởng để tránh xuất hiện sức ỳ. Trong tiến trình ấy, Chính phủ cần lắng nghe tham vấn của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, tận dụng tốt kinh nghiệm của các quốc gia phát triển sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ chúng ta.

Thứ hai, mọi sự thay đổi đều xuất phát từ con người. Do đó, sự chuẩn bị sớm về con người là quan trọng nhất-chính là lực lượng lao động, nguồn nhân lực của chúng ta. Muốn chuẩn bị tốt nhất về con người, ở tầm quốc gia phải có định hướng chiến lược về nguồn nhân lực, nắm bắt xu thế nhân lực trong 5 năm, 10 năm, thậm chí xa hơn.

Ảnh tràn viền

Đội ngũ nhân lực Viettel đóng góp vào sự phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia. Ảnh: TRẦN THỌ

Hàn Quốc là ví dụ điển hình. Khi các tập đoàn trong nước nắm bắt được công nghệ lõi từ nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh cho các trường đại học công lập để phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu về kỹ sư, nhà quản trị của doanh nghiệp. Nhờ vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát triển thành những tập đoàn hàng đầu thế giới. Chúng ta cũng cần xác định rõ đâu là công nghệ lõi của mình để có chiến lược phù hợp, tạo ra cú huých mạnh mẽ cho phát triển.

Hay như Singapore phát triển dịch vụ tài chính. Vậy Việt Nam sẽ phát triển dịch vụ nào, và chiến lược cụ thể để phát triển dịch vụ đó là gì? Chúng ta tự hào có "rừng vàng, biển bạc", vậy liệu phát triển dịch vụ du lịch có phải là hướng cốt lõi của Việt Nam không? Chuyên gia marketing hàng đầu thế giới Philip Kotler đã khuyên Việt Nam nên trở thành "bếp ăn của thế giới". Giáo sư Michael Porter của Đại học Harvard, chuyên gia hàng đầu về chiến lược cạnh tranh, cũng đánh giá ẩm thực Việt Nam rất tuyệt vời. Nếu có chiến lược đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển ngành du lịch gắn liền với văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, kết hợp với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ, gắn liền với nông nghiệp. Kết hợp du lịch văn hóa với nông nghiệp trở thành kim chỉ nam cho phát triển dịch vụ, tận dụng lợi thế vốn có của Việt Nam. Để người nông dân học một nghề mới thì khó, nhưng giúp họ gia tăng giá trị từ những nội lực sẵn có thì dễ dàng hơn. Đây là góc nhìn về việc làm sao giữ được ổn định cơ cấu kinh tế nhưng tăng chất lượng từng ngành, gia tăng chuỗi giá trị, đưa nông dân tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Thứ ba, chúng ta đừng bao giờ "ngủ quên trên vòng nguyệt quế", đừng cho rằng đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6-7% là đáng tự hào rồi mãn nguyện, dẫn đến sức ỳ nguy hiểm. Chúng ta phải luôn tự định vị, tự soi xét để điều chỉnh, đổi mới, tìm ra động lực tăng trưởng mới. Tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cần trở thành nét văn hóa trong doanh nghiệp, người dân và trên bình diện quốc gia. Văn hóa của người Nhật gắn liền với Kaizen, 5S-văn hóa liên tục đổi mới từ những điều nhỏ nhất. Nếu làm được như vậy, thúc đẩy văn hóa đổi mới trong từng người dân, từng doanh nghiệp, chúng ta sẽ có một xã hội đổi mới, với nguồn nhân lực ngày càng chất lượng, tích lũy tri thức ngày một tốt hơn. Và như thế, "bẫy thu nhập trung bình" sẽ không còn là vấn đề, không còn là trở ngại quá lớn nữa.

Ảnh tràn viền

Phóng viên: Ông vừa đề cập nhiều đến thành tựu của công cuộc đổi mới. Đổi mới là một tiến trình liên tục, thậm chí mang tính quyết định đến việc nước ta có vượt lên thành công về kinh tế hay không. Có ý kiến cho rằng chủ trương đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI là khởi điểm cho một giai đoạn phát triển mới, và nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong giai đoạn đó. Vậy, theo ông, chúng ta có thể phát huy những bài học kinh nghiệm nào từ giai đoạn đổi mới để áp dụng vào thời kỳ hiện thực hóa khát vọng hùng cường?

TS Nguyễn Hồng Quân: Sau mỗi giai đoạn của tiến trình đổi mới, Đảng đều tiến hành tổng kết, đánh giá. Gần đây, Đảng đã tổng kết 35 năm đổi mới và chỉ ra rất nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Tôi không nhắc lại những bài học đó nữa. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc xem những thành quả đạt được đã tương xứng với tầm vóc, vị thế và nguồn lực mà chúng ta có hay chưa. Nếu có cơ hội làm lại, liệu chúng ta có thể làm tốt hơn không?

Thời kỳ hiện thực hóa khát vọng hùng cường cũng phải gắn với câu chuyện về độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa. Marx đã nói rằng tư bản và cổ phần hóa là "phòng chờ" cho quá trình chuyển đổi sang một nấc thang mới về sở hữu. Cuối cùng vẫn là quan hệ sở hữu.

Ảnh tràn viền

Nhộn nhịp xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Các doanh nghiệp nhà nước-những "quả đấm thép" của chúng ta-chủ yếu đang nắm lợi thế về tài nguyên, đất đai, nguồn lực vốn có của Việt Nam, chứ chưa phải là những doanh nghiệp nắm lợi thế về công nghệ hay giá trị phục vụ cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Vậy giá trị nào chúng ta cần tiếp tục theo đuổi trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc? Tôi cho rằng đó chính là hai mũi nhọn nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa: Y tế và giáo dục. Đây là hai lĩnh vực cần có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, để "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" như Bác Hồ đã nói, để "không ai bị bỏ lại phía sau", và để giáo dục, y tế không bị biến thành công cụ khai thác lợi nhuận tuyệt đối. Nói như vậy không phải coi nhẹ chính sách xã hội hóa giáo dục, nhưng rất cần có chính sách để không kéo giãn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực tốt nhất để đưa sản phẩm thặng dư vào phục vụ trực tiếp cho người dân.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách điều phối hiệu quả hơn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc biến đổi các yếu tố nguồn lực của xã hội-từ con người, tài nguyên đến công nghệ. Đó là những thứ mà xã hội đóng góp cho doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp tự tích lũy tư bản vào đó. Do vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội.

Ảnh tràn viền

Hội thảo khoa học Quốc gia về đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam (8-10-2024).

Phóng viên: Cụ thể hơn, trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã có những đổi mới, cải tiến về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để đạt được những thành tựu to lớn như đã đánh giá. Do vậy, không có lý do gì mà chúng ta không tiếp tục nghiên cứu để đổi mới, cải tiến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giúp đất nước phát triển thành công, vượt qua "bẫy thu nhập trung bình"?

TS Nguyễn Hồng Quân: Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã có những thay đổi quan trọng như khoán 10, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho lực lượng sản xuất, bao gồm cả tư liệu sản xuất và sức lao động. Chúng ta đã công nhận và thúc đẩy phát triển thị trường lao động, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Các yếu tố cấu thành quan hệ sản xuất như quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối cũng có những cải tiến quan trọng-coi trọng quyền sở hữu tư nhân, sở hữu có yếu tố nước ngoài, công nhận các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác nhau, khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp.

Chúng ta đã cải tiến, đổi mới lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất nhưng vẫn giữ vững chủ thuyết, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, trong thời kỳ hiện thực hóa khát vọng hùng cường, chúng ta cũng cần sẵn sàng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải tiến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Như tôi đã nói, AI đang tạo ra nhiều thay đổi về quan hệ sở hữu nói riêng và quan hệ sản xuất nói chung. Do đó, chủ thuyết của chúng ta cũng phải tiến lên cùng sự phát triển của thực tiễn. Chúng ta vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cần được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Từ định hướng như vậy mới mở đường cho sự thay đổi về thể chế, pháp luật, để không tạo ra những lỗ hổng pháp lý có thể dẫn tới sự hỗn loạn trong phát triển.

Ảnh tràn viền

Văn minh nhân loại đang phát triển, nền kinh tế không thể thụt lùi. Vì thế, ứng dụng AI vào phát triển kinh tế là một điều hết sức cần thiết.

Sức lao động-một thành tố của lực lượng sản xuất-chúng ta phải xây dựng từ nhân dân. Vậy chiến lược về nguồn nhân lực của chúng ta như thế nào? Nếu thiếu nhân lực về AI chẳng hạn, có nghĩa rằng lực lượng sản xuất của ta chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Rồi về tư liệu sản xuất, chúng ta đã nắm trong tay những công cụ nào, còn thiếu những gì? Chúng ta phải có chiến lược để nắm bắt được những tư liệu sản xuất cốt lõi trong thời đại công nghiệp 4.0.

Cùng với đó, chính sách của chúng ta cần đủ cởi mở nhưng cũng phải tính toán kỹ vấn đề chuyển đổi ở những điểm yếu để không bị "lỏng tay", dẫn tới mất kiểm soát. Tất nhiên, chúng ta không dựa vào cung cách quản lý hà khắc, mà hoàn toàn tuân theo các thông lệ quốc tế. Ví dụ, bộ tiêu chí ESG đánh giá một doanh nghiệp dựa trên mức độ bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội và hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả-đây là tiêu chuẩn mang tính quốc tế. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm xã hội theo chuẩn quốc tế như vậy.

Tôi xin nhắc lại, chủ thuyết của chúng ta không thể thay đổi bản chất. Nhưng có những nội dung cần viết lại cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Ví dụ, sóng điện thoại hiện nay có phải là vật chất không? Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cũng cần được cập nhật để phản ánh đầy đủ sự phát triển của thực tiễn. Nếu chúng ta không cập nhật đầy đủ, các thế hệ sau sẽ dễ mất phương hướng khi không định hình được những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống với chủ thuyết của chúng ta. Điều đó sẽ làm nảy sinh nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa rất cao trong giới trẻ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ảnh tràn viền

Trong thời kỳ hiện thực hóa khát vọng hùng cường, chúng ta cũng cần sẵn sàng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải tiến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.