1
89
5027503
156
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 2: Nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu thời kỳ mới - Báo Lạng Sơn: Tin tức mới nhất, chính xác, uy tín
https://baolangson.vn/thuc-hien-muc-tieu-chien-luoc-100-nam-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-100-nam-thanh-lap-nuoc-bai-2-nen-tan-5027503.html
longform
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 2: Nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu thời kỳ mới

Cover

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời kỳ mới đầy triển vọng, thời kỳ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước. Để hiện thực hóa mục tiêu to lớn này, cả hệ thống chính trị phải thực hiện quyết liệt nhiều mặt công tác, trong đó cần đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh, làm nền tảng vững chắc để phát triển mọi mặt xã hội, đưa đất nước vững bước tiến về phía trước.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận, với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm thành lập nước, với thế và lực đã được tích lũy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử bước vào một thời kỳ mới, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước.

Ảnh tràn viền

Quang cảnh Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN KHOA

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới gần 40 năm qua và đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có những lĩnh vực đạt thành tựu đột phá. Theo số liệu tính toán tới năm 2023, quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, đưa Việt Nam vào danh sách 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Số liệu mới nhất cũng cho thấy IMF dự báo Việt Nam sẽ đạt vị trí nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới trong năm nay. Hiện Việt Nam có mối quan hệ kinh tế với 224 thị trường trên các châu lục, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 683 tỷ USD, vượt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình thấp, bước vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Về đối ngoại, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Malawi là quốc gia gần đây nhất chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế, trong đó nổi bật là Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO…

Ảnh tràn viền

Theo số liệu tính toán tới năm 2023, quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, đưa Việt Nam vào danh sách 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: TTXVN

Thế và lực của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới đã có nhiều thay đổi. Sự tích lũy về lượng đã đạt đến điểm nút, sẵn sàng tạo ra bước nhảy vọt để thay đổi về chất. Để Việt Nam vươn lên bứt phá đòi hỏi chúng ta phải đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể, có tầm nhìn và thể hiện được khát vọng của dân tộc, có đủ khả năng trở thành nước có ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi.

Ảnh tràn viền

Con diều bay càng cao càng cần có sợi dây chắc níu chặt với mặt đất. Càng bay cao thì gió càng to, trở lực càng lớn; nếu không có sợi dây chắc, con diều sẽ bị gió cuốn trôi và cuối cùng sẽ lao xuống đất. Một đất nước muốn phát triển bền vững, muốn bứt phá bay cao, vươn xa thì cũng phải xây dựng cho mình một nền tảng chính trị vững chắc.

Lịch sử đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong và đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và dân tộc. Điều này đã được ghi rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy, từ trong bản chất, Đảng không mưu cầu lợi ích riêng của giai cấp mình hay một nhóm người nào, cá nhân nào, mà mục tiêu chính trị cao nhất của Đảng là vì lợi ích tối cao của nhân dân, của Tổ quốc và dân tộc.

Ảnh tràn viền

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lễ đón chính thức ngày 10-9-2023 tại Hà Nội. Ảnh: PHÚ SƠN

Ảnh tràn viền

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh trái: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chụp ảnh chung trước hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-9-2023 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN. Ảnh phải: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo chí sau hội đàm ngày 10-9-2023 tại Hà Nội. Ảnh TRỌNG HẢI

Theo Tiến sĩ Lê Hải, Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử, Tạp chí Cộng sản, bài học quan trọng hàng đầu đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ là giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Càng ở những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng, thì trí tuệ, bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng là nhân tố mang tính quyết định”. Điều này đã được khẳng định qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và công cuộc đổi mới. Quyết sách quan trọng của Đảng ở những thời khắc quyết định luôn tạo ra bước ngoặt để đưa cách mạng tới thắng lợi. Một số quyết sách quan trọng có thể kể ra là quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; việc Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định “tự ý giải tán”, nhưng trên thực tế rút vào hoạt động bí mật; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đưa ra những cải cách về kinh tế…

GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: “Đảng Cộng sản Việt Nam có sứ mệnh lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Hệ thống chính trị là nòng cốt trong việc hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sự vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là nhân tố quan trọng trực tiếp dẫn đến thắng lợi”. Thực tiễn cho chúng ta rút ra bài học sâu sắc: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng dẫn dắt cách mạng Việt Nam, là nhân tố chủ yếu nhất quyết định mọi thành công của sự nghiệp cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Lịch sử đã chứng minh điều đó khi nhiều cuộc khởi nghĩa trước khi Đảng ra đời đều bị thực dân, đế quốc dìm trong biển máu. Chỉ khi nhân dân được dẫn dắt bởi một lực lượng cách mạng là Đảng ta thì Việt Nam mới đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cụ thể nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu thời kỳ đổi mới. Đó là sự thật hiển nhiên mà không thế lực nào có thể phủ nhận được.

Ảnh tràn viền

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ảnh: PHẠM KIÊN

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đảng là hạt nhân của cả hệ thống chính trị, có trách nhiệm xây dựng các tầm nhìn lãnh đạo, đề ra chủ trương, đường lối để quy tụ sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội, hoạch định chính sách cho các mục tiêu phát triển đất nước gắn với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Vì thế, vai trò lãnh đạo của Đảng là đặc biệt quan trọng với khả năng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong thời kỳ mới, mà cụ thể nhất là đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra với Đảng là phải truyền cảm hứng cho mọi lực lượng xã hội về khát vọng phát triển để thay đổi vị thế của đất nước, duy trì được sự ủng hộ của nhân dân, phát huy tối đa mọi nguồn lực của đất nước và chuyển hóa những yếu tố đó thành những hành động có tính tập thể nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra”.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Để có thể làm nên những thắng lợi trong 94 năm lịch sử ra đời và phát triển của mình cũng như 79 năm thành lập Nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự là hạt nhân kết nối, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc.

Theo Tiến sĩ Lê Hải, Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo thành công đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là do: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc; là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Vì vậy, Đảng không mưu cầu lợi ích riêng cho giai cấp mình hay một nhóm người nào, cá nhân nào, mà mục tiêu chính trị cao nhất của Đảng là vì lợi ích tối cao của nhân dân, của Tổ quốc và dân tộc. Đây là yếu tố bảo đảm quan trọng nhất để Đảng trở thành một lực lượng chính trị tiến bộ, cách mạng, có đủ tư cách đại diện cho toàn thể xã hội, có đủ năng lực, đạo đức, uy tín, sức hút tập hợp, đoàn kết thành công mọi giai tầng trong xã hội để thực hiện ý chí, mục tiêu chính trị của Đảng, đồng thời cũng chính là ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Ảnh tràn viền

Với thế và lực đã được tích lũy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử bước vào một thời kỳ mới. Ảnh: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam tại Giao lưu biên giới Việt Nam-Trung Quốc 2024. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947 như sau: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[1]. Vì vậy, Đảng ta gắn bó mật thiết với nhân dân, hòa mình cùng nhân dân, sinh tồn tự nhiên trong nhân dân, hiểu sâu sắc nhân dân để đoàn kết nhân dân thành một khối thống nhất. Nếu quan liêu, hách dịch, tách biệt, xa rời nhân dân thì Đảng không những không thể tập hợp, đoàn kết được nhân dân, mà còn tự triệt tiêu sức mạnh của chính mình, đánh mất cơ sở chính trị - xã hội quan trọng nhất của mình và không thể tồn tại. Bản thân Đảng ta cũng luôn giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình như lời dặn của Bác, là tấm gương sáng để từ đó lan tỏa tinh thần đoàn kết ra toàn xã hội, làm nòng cốt lãnh đạo và nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo bằng đường lối đúng đắn hợp lòng dân, bằng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, lối sống cao đẹp, khi đó mới đủ “Tư cách một người cách mệnh”[2] như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Lãnh đạo bằng cách nêu gương sáng có sức mạnh to lớn. Quần chúng chỉ chấp nhận và noi theo những tấm gương thật sự một lòng vì dân, vì nước, những việc làm trong sáng, vô tư, không vụ lợi. Tai mắt của quần chúng rất sáng suốt, phân biệt nhanh chóng và dễ dàng mọi hiện tượng và con người thật, giả. Lãnh đạo bằng cách nêu gương là quá trình phấn đấu gian khổ để tự hoàn thiện mình của tổ chức đảng và của từng đảng viên. Trong lịch sử ra đời và phát triển của mình, lớp lớp cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của chính mình, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh… là những tấm gương sáng thuyết phục đối với quần chúng nhân dân, xứng đáng là những người tập hợp lực lượng dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Cũng như con diều bay cao có nguy cơ mất neo rơi xuống nếu không có sợi dây chắc kết nối với mặt đất, đi song hành cùng với cơ hội bao giờ cũng là thách thức. Những nguy cơ với Đảng ta, mà rộng hơn là đối với sự tồn vong của chế độ, với sự phát triển của đất nước được Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) đưa ra vẫn còn nguyên sự cảnh báo, trong đó có những nguy cơ đã có những biểu hiện mới phức tạp hơn, nhất là nguy cơ về tụt hậu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nguy cơ về “diễn biến hòa bình” gắn với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những nguy cơ mới như cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột có khả năng leo thang thành chiến tranh diện rộng, sụt giảm niềm tin trong nhân dân, suy giảm các động lực đột phá, nảy sinh các điểm nghẽn cản trở phát triển đất nước, sự lạc hậu về lý luận - sự xâm nhập của các học thuyết phi Mác-xít, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược… cũng đã xuất hiện.

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước, trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành tựu của các giai đoạn phát triển trước cũng như những nguy cơ đã được cảnh báo, công tác xây dựng Đảng vững mạnh càng trở nên đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt lớn, đòi hỏi năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải được nâng lên ở một tầm cao mới, để Đảng ta thực sự là trí tuệ, đạo đức, văn minh, đủ khả năng lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến nhanh về phía trước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, bên cạnh các động lực thị trường và động lực xã hội thì hệ thống chính trị là một trụ cột, có vai trò then chốt nhất trong nền quản trị quốc gia. Vì thế, để có thể hiện thực hóa các mục tiêu có tính tập thể như đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21, chắc chắn trước hết chúng ta phải bảo đảm một hệ thống chính trị vững mạnh, đảm nhiệm vai trò chủ thể với khả năng khơi dậy và kết nối nỗ lực hành động trên bình diện cộng đồng cho các mục tiêu chung.

Ảnh tràn viền

Bên cạnh các động lực thị trường và động lực xã hội, hệ thống chính trị là một trụ cột, có vai trò then chốt nhất trong nền quản trị quốc gia. Trong ảnh: Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế - xã hội thường niên năm 2023. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Theo GS, TS Phùng Hữu Phú, để có thể thực hiện thành công những mục tiêu và nhiệm vụ nặng nề trong thời kỳ mới, vấn đề có ý nghĩa quan trọng bậc nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. GS, TS Phùng Hữu Phú cũng chỉ ra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải lấy trọng tâm là:

Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tổ chức, cán bộ, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh; nâng cao năng lực hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, khả năng thích ứng, xử lý hiệu quả những tình thế, tình huống phức tạp của thời cuộc; nâng cao sức chiến đấu của Đảng, trước hết là năng lực đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Thứ hai là xây dựng hệ thống chính trị, trước hết là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tinh gọn, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba là xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, thực sự trong sạch, gương mẫu về phẩm chất, tiêu biểu về năng lực, đi đầu trong sự nghiệp kiến tạo thời kỳ mới. Trong những nhiệm vụ trọng tâm đó, công tác cán bộ - then chốt của then chốt - là khâu đột phá.

Ảnh tràn viền

Theo Tiến sĩ Lê Hải, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, làm sao cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, thật sự là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh. Đây là khâu cốt yếu để tạo dựng nền tảng vững chắc cho Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mọi mặt. Tiến sĩ Lê Hải cũng nhấn mạnh rằng lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị sẽ không còn nếu lời nói của Đảng không đi với việc làm; đảng viên không mẫu mực nêu gương. Để luôn nêu gương sáng, Đảng phải không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của mình, lãnh đạo bằng cách nêu gương để quần chúng thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là phương cách tốt nhất, thực chất và bền vững nhất, có sức thuyết phục nhất để tập hợp, quy tụ quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng khi bước vào thời kỳ mới.

Tiến sĩ Lê Hải đưa ra ví dụ điển hình là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, cho rằng đây là giai đoạn đất nước cần dồn toàn lực, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nên bất kỳ sự tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát nào cũng làm cho sức mạnh của đất nước sụt giảm, niềm tin của nhân dân suy giảm, làm Đảng ta suy yếu từ bên trong. “Tham nhũng, tiêu cực và lãng phí thực sự là mối nguy hại rất lớn, thậm chí là tội ác, là thứ giặc nội xâm cần thường trực phòng, chống, không một phút lơ là, nhất là trong điều kiện chúng biến tướng ngày càng tinh vi, phức tạp”, Tiến sĩ Lê Hải nhấn mạnh. Vì vậy, công tác tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần phải được thực hiện thường xuyên và hiệu quả bằng cách nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng đi đôi với nâng cao chế tài, thường xuyên chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự là đạo đức, là hạt nhân đoàn kết, kết nối sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” ngày 13-10-2024 cũng đã nhấn mạnh: “Để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Ảnh tràn viền

Về phương thức lãnh đạo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng nhận định, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cũng đã khác so với các giai đoạn trước đây, đặt ra nhu cầu tất yếu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiến sĩ cho rằng: “Bên cạnh những cách thức và biện pháp lãnh đạo truyền thống, Đảng sẽ cần phải bổ sung những yếu tố mới để phù hợp với sự đa dạng xã hội, sự phức tạp về lợi ích và quan điểm, cũng như sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố bên ngoài. Hiện đại hóa phương thức lãnh đạo sẽ giúp Đảng gia tăng khả năng thích ứng với mọi biến động nảy sinh từ thực tiễn vốn khó lường, nhờ đó bảo đảm hiệu lực lãnh đạo trong bối cảnh mới”.

Muốn vậy, Đảng phải luôn kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời bổ sung lý luận về đường lối vào nền tảng của Đảng sau gần 40 năm đổi mới; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của mình theo hướng cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật, cầm quyền liêm chính.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho bước chuyển mình bước vào thời kỳ phát triển mới hiện nay, sự thống nhất, đồng thuận của toàn dân và sự dẫn dắt khôn khéo, quyết liệt, trí tuệ của Đảng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tiến lên phía trước, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước.

--------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5 (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội (2011), tr.330

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2 (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội (2011), tr.280