1
89
5027489
155
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 1: Chuẩn bị Đại hội XIV và tầm nhìn mới - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/thuc-hien-muc-tieu-chien-luoc-100-nam-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-100-nam-thanh-lap-nuoc-bai-1-chuan-b-5027489.html
longform
Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 1: Chuẩn bị Đại hội XIV và tầm nhìn mới

Cover

Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã tích lũy được nền tảng thế và lực, hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã nhận định như vậy. Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành phỏng vấn các chuyên gia về những định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng của dân tộc.

-------------------***-------------------

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, việc nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của thời kỳ này là vô cùng cần thiết. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ảnh tràn viền

Phóng viên: Thưa GS, TS Trần Văn Phòng, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Điều này đặt ra cho Đảng ta vấn đề gì về nội dung, phương thức lãnh đạo ?

GS, TS Trần Văn Phòng: Xin cảm ơn câu hỏi của đồng chí. Việc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đặt ra quyết tâm chuẩn bị thật tốt cho Đại hội XIV của Đảng, nhằm sớm đạt được mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang trải qua những biến động lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và những thách thức an ninh phi truyền thống, việc nhận thức đúng thời cơ, vận mệnh và hành động kịp thời để đưa đất nước bước vào thời kỳ mới là nhiệm vụ cấp thiết.

Ảnh tràn viền

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN KHOA

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, quy mô GDP tăng đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao. Đây chính là "thế và lực" mới, tạo nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, là sự chuyển đổi về chất trong quá trình phát triển. Chúng ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội chưa từng có, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn và thách thức từ bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động nhanh chóng, khó lường, khó dự báo.

Trong thời kỳ mới thì Đại hội lần thứ XIV của Đảng sẽ là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước. Bởi vậy, tại phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, việc xây dựng Báo cáo chính trị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, phải thật sự có chất lượng, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác, thậm chí là “ngọn đuốc soi đường” cho những kỳ đại hội tiếp theo.

Ảnh tràn viền

Nhận thức về thời kỳ mới đòi hỏi Đảng ta phải có chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi. Đường lối ấy cần phải kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai; đưa đất nước đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước; phải phản ánh đầy đủ thực tiễn đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, củng cố luận cứ vững chắc để định ra phương pháp cho Cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Phóng viên: Theo ông, những yếu tố nào sẽ giữ vai trò nòng cốt, thúc đẩy đất nước phát triển, đạt được các mục tiêu chiến lược trong thời kỳ mới?

GS, TS Trần Văn Phòng: Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới nhờ vào nhiều yếu tố quan trọng thúc đẩy. Sau 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội đáng kể. Quy mô nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, từ GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới lên đến 430 tỷ USD vào năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người tăng 58 lần, đạt hơn 4.300 USD, và tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn 2,9% theo chuẩn nghèo đa chiều. Việt Nam đã trở thành nước có quy mô nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN, thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những con số này không chỉ minh chứng cho sự phát triển vượt bậc mà còn khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Ảnh tràn viền

Ảnh 1: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (nay là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương), Trưởng đoàn Việt Nam bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 tại Trụ sở Liên hợp quốc, ngày 7-6-2019.
Ảnh 2: Thứ trưởng Lê Hoài Trung và Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý cùng các thành viên trong Đoàn vui mừng khi kết quả bỏ phiếu được công bố, với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu.
Ảnh 3: Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 tại New York, Mỹ ngày 7-6.
Ảnh 4: Thứ trưởng Lê Hoài Trung họp báo ngay sau khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an, đêm 7-6 (giờ Việt Nam).

Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 8 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tham gia tích cực vào hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) kết nối với 60 nền kinh tế chủ chốt, đưa quy mô thương mại vào top 20 quốc gia trên thế giới. Những nỗ lực hội nhập sâu rộng này đã biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn.

Sự ổn định chính trị và xã hội cũng là yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế bền vững. Môi trường chính trị ổn định, xã hội an ninh, trật tự được bảo đảm nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân, đã tạo ra môi trường thuận lợi để triển khai các chính sách phát triển toàn diện trên tất cả các mặt.

Khát vọng và quyết tâm vươn lên của toàn dân tộc là động lực nội sinh mạnh mẽ. Tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cùng với sự đồng lòng của hơn 100 triệu người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, là nguồn lực to lớn thúc đẩy quá trình phát triển.

Ảnh tràn viền

Hơn nữa, Việt Nam đang tích cực tham gia vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới. Lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu kiến thức và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, là một lợi thế lớn. Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông và hạ tầng số đã tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối với khu vực và thế giới.

Cuối cùng, tinh thần đoàn kết và hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục được phát huy. Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sự hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, hưởng lợi từ xu thế toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ảnh tràn viền

Việt Nam đang tích cực tham gia vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất xe thứ 2 của Hyundai tại Ninh Bình. Ảnh: Thắng Nguyễn

Phóng viên: Theo Giáo sư, mục tiêu chiến lược của dân tộc trong thời kỳ mới này là gì?

GS, TS Trần Văn Phòng: Với thế và lực đã đạt được, trong thời kỳ mới, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Cụ thể, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói khác đi, đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam là nước phát triển, tạo nền tảng vững chắc bước vào thời kỳ phát triển mới vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tầm nhìn chiến lược này định hướng cho mọi hoạt động xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu.

Ảnh tràn viền

Khát vọng và quyết tâm vươn lên của toàn dân tộc là động lực nội sinh mạnh mẽ. Tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cùng với sự đồng lòng của hơn 100 triệu người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, là nguồn lực to lớn thúc đẩy quá trình phát triển. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, Giáo sư đánh giá như thế nào về những thách thức và cơ hội thực tiễn mà Việt Nam phải đối mặt?

GS, TS Trần Văn Phòng: Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều biến động phức tạp, tôi nhận thấy rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. Sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế, cùng với những chuyển dịch sâu sắc về kinh tế, chính trị và xã hội, đặt ra cho chúng ta những yêu cầu mới trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Thách thức lớn đầu tiên mà chúng ta phải đối mặt là biến động địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Căng thẳng thương mại và công nghệ giữa các cường quốc, không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo ra áp lực lên các nước đang phát triển như Việt Nam. Sự gia tăng xung đột khu vực và tranh chấp lãnh thổ đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời duy trì môi trường hòa bình và ổn định để phát triển.

Thứ hai, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường đang trở thành thách thức ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao, thiên tai gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp và an ninh lương thực. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách và hành động kịp thời để thích ứng và giảm thiểu tác động, hướng tới phát triển bền vững.

Thứ ba, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số mang đến cả cơ hội và thách thức. Nếu không nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng các công nghệ mới, chúng ta có nguy cơ bị tụt hậu, mất đi lợi thế cạnh tranh. Sự thay đổi trong cơ cấu lao động, với việc tự động hóa và trí tuệ nhân tạo thay thế nhiều công việc truyền thống, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào đào tạo kỹ năng mới.

Phóng viên: Để đạt được những mục tiêu chiến lược nêu trên, cần phải làm gì thưa Giáo sư?

GS, TS Trần Văn Phòng: Để sớm đạt được mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước, cần nỗ lực thực hiện với ba ưu tiên đột phá chiến lược đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là thể chế, con người và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm từ quá khứ cũng là nguồn tài sản vô giá giúp chúng ta định hướng đúng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong tình hình hiện nay. Để Việt Nam thành công trong giai đoạn quan trọng này, chúng ta có thể tham khảo một số bài học quan trọng đã được đúc kết từ lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước.

Ảnh tràn viền

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn quan trọng, trong đó có quan điểm về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Trước hết, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc là một trong những bài học quý báu nhất. Lịch sử đã chứng minh rằng, mỗi khi dân tộc ta đồng lòng, chung sức, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từ cuộc đấu tranh giành độc lập đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự đoàn kết không chỉ giữa các tầng lớp nhân dân, mà còn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.

Thứ hai, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nguyên tắc nền tảng đã dẫn dắt chúng ta qua nhiều giai đoạn lịch sử. Sự kiên định này giúp chúng ta giữ vững định hướng phát triển, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế và các lĩnh vực khác phát triển. Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, việc giữ vững lập trường, không dao động trước những thách thức là yếu tố then chốt để đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Thứ ba, bài học về đổi mới tư duy và sáng tạo từ công cuộc Đổi mới năm 1986 là minh chứng rõ rệt cho sức mạnh của việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính nhờ sự đổi mới này, chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong hơn ba thập kỷ qua. Trong thời kỳ mới, việc tiếp tục đổi mới, thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số là cần thiết để bắt kịp xu thế của thời đại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ tư, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và hội nhập sâu rộng là bài học quan trọng giúp Việt Nam tận dụng cơ hội từ quá trình toàn cầu hóa. Việc tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế với nhiều quốc gia đã giúp chúng ta tiếp cận thị trường, công nghệ và nguồn vốn mới. Tuy nhiên, hội nhập cần đi đôi với việc giữ vững bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc, độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. Lịch sử cho thấy, con người luôn là trung tâm của mọi sự phát triển. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động sẽ tạo ra lực lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế tri thức. Đồng thời, cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước của toàn dân, trong đó có thế hệ trẻ.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông và hạ tầng số đã tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối với khu vực và thế giới. Ảnh: Văn Phong, CTV

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bài học từ quá trình cải cách kinh tế. Một thể chế minh bạch, hiệu quả, công bằng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Việc tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, chống tham nhũng, lãng phí là cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ bảy, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là bài học từ những hậu quả của phát triển thiếu bền vững. Chúng ta cần chú trọng cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn phù hợp với xu hướng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tám, phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là điều kiện tiên quyết để duy trì niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức, tư tưởng sẽ tạo ra môi trường chính trị, xã hội lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội.

Thứ chín, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng phát triển là động lực nội sinh mạnh mẽ. Lòng yêu nước, ý chí vươn lên, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu đã giúp dân tộc ta vượt qua nhiều thử thách trong lịch sử. Trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2045, việc khơi dậy và phát huy tinh thần này sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuối cùng, tận dụng lợi thế địa chính trị và kinh tế của đất nước. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, là cầu nối giữa các nền kinh tế lớn. Việc khai thác hiệu quả lợi thế này sẽ giúp chúng ta thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Ảnh tràn viền

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!