Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
(LSO) – Trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả thiết thực. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về BĐG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 và triển khai chính sách, pháp luật về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) nói riêng luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG còn gặp khó khăn, vướng mắc. Bà Lương Thị Phi Nga, chuyên viên phụ trách công tác BĐG, Phòng Bảo trợ trẻ em và BĐG, Sở LĐTB&XH cho biết: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy một số chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn, việc phân bổ một số chỉ tiêu chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống chỉ tiêu thống kê chung về kinh tế – xã hội và chỉ tiêu thống kê chuyên ngành theo sự hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương nên địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong xác định căn cứ đánh giá kết quả thực hiện.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho hội viên phụ nữ xã Tân Lang, huyện Văn Lãng
Cụ thể: trong Chương trình hành động quốc gia về BĐG đưa ra một số chỉ tiêu khó thống kê số liệu như: chỉ tiêu 1 của mục tiêu 5 (đến năm 2015 giảm 60% và đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang tính định kiến về giới); chỉ tiêu 1 của mục tiêu 6 (rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020)…
Cùng với đó, hiện chưa có hướng dẫn thống nhất của các cơ quan hữu quan trung ương về chỉ tiêu liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong một số lĩnh vực, nên địa phương còn gặp khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ BĐG và VSTBCPN. Cụ thể tại Điểm e, Khoản 2, Điều 32 Luật BĐG năm 2006 quy định: “Hỗ trợ lao động nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi”. Theo đó, Điều 18 Nghị định số 48/2009/NĐ- CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm BĐG, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn của Bộ Nội vụ về tổ chức thực hiện quy định này.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 có đưa ra quy định nhằm bảo đảm cũng như hỗ trợ việc thi hành Luật BĐG. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng chưa có tính khả thi như: quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 19 “Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân”. Tuy nhiên, muốn biện pháp này được áp dụng thì phải đáp ứng đủ yêu cầu: nạn nhân bị bạo lực phải có đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, mức độ của hành vi bạo lực, người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Tại Điều 20, Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về yêu cầu người bị bạo lực gia đình phải có đơn yêu cầu là không phù hợp, vì thực tế đối tượng gây bạo lực thường là những thành viên trong gia đình nên rất ít trường hợp người bị bạo lực gia đình làm đơn tố cáo hành vi bạo lực của người thân đối với mình.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, thời gian qua, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu bổ sung lồng ghép vấn đề BĐG trong một số luật có liên quan đến vấn đề BĐG như: Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; những hành vi bị nghiêm cấm để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong Luật Dân số; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, tạo cơ hội cho cả hai giới trong Bộ luật Lao động…
Ônh Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban VSTBCPN cho biết: Sở cũng đã tham mưu cho tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương trong việc lồng ghép hoạt động BĐG vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Đồng thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác BĐG và VSTBCPN ở các cấp; xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu thống kê, báo cáo số liệu về BĐG thống nhất trên toàn quốc. Tăng cường công tác tập huấn cho thành viên ban VSTBCPN các cấp và cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động BĐG; quan tâm ưu tiên xây dựng các chính sách phù hợp cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số có nguy cơ cao về bất BĐG. Cùng với đó hỗ trợ kinh phí đầu tư nhân rộng mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh cộng đồng” cho nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các địa phương.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()