Thực hiện Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước: Đồng bộ triển khai, tích cực thi hành
– Thời gian qua, các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã quán triệt và tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) đồng bộ, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh kiểm tra công tác bảo vệ BMNN tại Viện kiểm sát Nhân dân huyện Văn Lãng
Luật Bảo vệ BMNN được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Đại tá Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Sau khi Luật Bảo vệ BMNN có hiệu lực thi hành, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ BMNN, quản lý tài liệu BMNN. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN tỉnh; ban hành Quy chế bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh để quản lý công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, việc thực hiện Luật Bảo vệ BMNN đã đạt được những kết quả quan trọng.
Từ tháng 7/2020 đến nay, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, tập huấn về luật cho trên 500 lãnh đạo, cán bộ làm công tác liên quan đến bảo vệ BMNN tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đồng thời các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ BMNN cho trên 3.200 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN tỉnh thành lập đoàn kiểm tra tại 58 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và 24 UBND cấp xã.
“Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Bảo vệ BMNN. Nhờ vậy, công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét, nhận thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về bảo vệ BMNN ngày càng được nâng cao; công tác phòng ngừa, bảo vệ BMNN được tổ chức bài bản, phát hiện sớm, xử lý nhanh, quyết liệt với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”. Thượng tá Bùi Văn Cương, Phó trưởng Phòng 2, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an |
Không chỉ Công an tỉnh, công tác bảo vệ BMNN cũng được các cấp, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Tính đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND 11 huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ và làm nhiệm vụ bảo vệ BMNN từ tỉnh đến cấp xã. Công tác đầu tư trang thiết bị phục vụ bảo vệ BMNN, việc tự kiểm tra và kiểm tra theo ngành dọc được các cấp, ngành chú trọng thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong thực hiện công tác bảo vệ BMNN cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện công tác này tại các cơ quan, đơn vị khắc phục.
Bà Phạm Ngọc Thủy, Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Trên địa bàn huyện có 50 cán bộ, công chức, viên chức tại các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn kiêm nhiệm, tham mưu về công tác bảo vệ BMNN. Đội ngũ này đã được tập huấn về Luật Bảo vệ BMNN, bồi dưỡng kiến thức, nhận thức về các quy định liên quan; tích cực tham mưu và thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ BMNN. Công tác kiểm tra về công tác này được huyện chú trọng thực hiện. Trong 3 năm qua, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra về công tác bảo vệ BMNN, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin tại 18 cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, kịp thời phát hiện và khắc phục những tốn tại, vướng mắc. Nhờ vậy, những năm qua, trên địa bàn không để xảy ra vụ việc làm lộ lọt, mất thông tin, tài liệu BMNN.
Tương tự, nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã thi hành Luật Bảo vệ BMNN với những biện pháp, giải pháp cụ thể. Đến nay, các cơ quan, đơn vị của tỉnh, các huyện, thành phố đều trang bị hoặc bố trí máy tính độc lập phục vụ soạn thảo, lưu trữ tài liệu BMNN không kết nối internet hoặc nếu chuyển đổi mục đích sử dụng có kết nối internet đều được thay ổ cứng, làm sạch máy tính theo quy định. Chẳng hạn, 3 năm qua, số lượng tài liệu mật do Văn phòng UBND tỉnh ban hành hoặc thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành là 2.655 văn bản; trong đó có 2.341 văn bản mật, 191 văn bản tối mật, 33 văn bản tuyệt mật, tất cả đều được soạn thảo trên máy tính dành riêng cho soạn thảo văn bản BMNN và được xác định độ mật đúng theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hàng Nội quy bảo vệ BMNN, phân công cán bộ chuyên trách cũng như trang bị đầy đủ máy tính, máy in, hệ thống mẫu sổ, mẫu dấu theo quy định; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình việc bảo vệ BMNN tại các phòng, trường học trên địa bàn, đặc biệt là trong các kỳ thi…
Mặt khác, công tác đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ BMNN được Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ BMNN tỉnh và các cơ quan, đơn vị quyết liệt triển khai. Từ tháng 7/2020 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 3 vụ án hình sự liên quan đến vi phạm về bảo vệ BMNN; trong đó hoàn tất hồ sơ truy tố, xét xử 1 vụ, 20 bị cáo về tội “Mua bán tài liệu BMNN”. Công an tỉnh, UBND cấp huyện cũng đã phát hiện, ra quyết định xử phạt 7 trường hợp về hành vi soạn thảo, lưu trữ tài liệu có nội dung BMNN trên máy tính đang kết nối mạng internet, sao lưu tài liệu BMNN không đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần răn đe, phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()