Thực hiện lời dạy của Bác về chăm sóc thiếu niên, nhi đồng: Tạo điều kiện cho trẻ phát huy quyền của mình
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thiếu niên, nhi đồng là lớp người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt cho các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải được làm thường xuyên, kiên trì và bền bỉ”. Thực hiện lời dạy của Người, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo, tạo điều kiện cho trẻ phát huy quyền của mình.
Lạng Sơn hiện có gần 200.000 trẻ em, chiếm 24,38% dân số toàn tỉnh, trong đó số trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo trên 30.000 trẻ em, chiếm trên 15% trẻ em toàn tỉnh; trên 2.300 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; gần 1.700 trẻ em khuyết tật mà đa số đều thuộc hộ nghèo hoặc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chưa được tiếp cận kịp thời với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, chưa có cơ hội được phát triển bình đẳng như bao trẻ em khác. Đây là các nhóm đối tượng trẻ em bị thiệt thòi, rất cần được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước, gia đình, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Quan tâm, giáo dục trẻ toàn diện
Để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội thì cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, mục tiêu, dự án cho trẻ em ở các lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục... qua đó góp phần cải thiện điều kiện sống và giảm bớt khó khăn cho trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ người dân tộc thiểu số.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Điểm chính của Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em 1989 yêu cầu: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em”. Theo đó trẻ em có 10 quyền cơ bản, trong đó tập trung đảm bảo trẻ em có quyền được sống trong một môi trường an toàn mà không bị phân biệt đối xử. Trẻ em có quyền tiếp cận nước, thức ăn, được chăm sóc y tế, giáo dục và có tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến hạnh phúc, phúc lợi của trẻ. |
Văn Quan là huyện nghèo của tỉnh nhưng thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã dành nguồn lực quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Hằng năm, huyện huy động nguồn lực từ xã hội hóa như quỹ bảo trợ trẻ em được trên 300 triệu đồng để hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn cũng như xây dựng các khu vui chơi, giải trí, giúp cho các em có các điểm hoạt động phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
Không chỉ huyện Văn Quan mà thời gian qua, từ các huyện, thành phố đến tỉnh đều phát động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, qua đó vận động từ nhiều nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận các phần học bổng, quà tặng; xây dựng, bố trí điểm vui chơi, giải trí, giúp trẻ em có nơi vui chơi an toàn, lành mạnh...; tổ chức khám, phân loại và hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, bị khuyết tật đi phẫu thuật. Trong năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã phối hợp với các nhà tài trợ và các đơn vị liên quan khám sàng lọc cho trên 400 trẻ em mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, khuyết tật, chỉ định phẫu thuật cho trên 100 trẻ em.
Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Để thực hiện nội dung chăm sóc, phát huy, bảo vệ trẻ em, hằng năm tỉnh cũng đều cân đối, bố trí nguồn lực khoảng trên 1 tỷ đồng cho các hoạt động chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Cùng với nguồn lực của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để huy động thêm nguồn lực chăm sóc cho các cháu những dịp lễ, tết…
Những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền trong năm 2024 đã giúp tỉnh ta đạt được một số kết quả nổi bật như: 100% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non và đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT kịp thời; trên 3.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng và hưởng chính sách hỗ trợ xã hội hằng tháng…
Giúp trẻ em được bày tỏ nguyện vọng
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình - là tương lai của đất nước, vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta không chỉ dành nhiều nguồn lực để trẻ em được sống trong tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của gia đình và toàn xã hội mà còn tổ chức nhiều hoạt động, chương trình để trẻ em được bày tỏ nguyện vọng, mong muốn, nói lên tiếng nói của mình. Cụ thể như: diễn đàn trẻ em các cấp, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” cấp tỉnh và cấp trung ương…
Trong nhiều năm qua, diễn đàn trẻ em là một hoạt động ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các cơ sở giáo dục đối với trẻ em; trở thành một sân chơi để trẻ em được gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ những điều các em quan tâm hiện nay với lãnh đạo các cấp, ngành. Cụ thể như: các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường; việc giải tỏa áp lực học tập và thi cử; xây dựng thêm nhiều khu vui chơi giải trí... Qua ý kiến chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng của trẻ em đã giúp các cấp, ngành thấu hiểu hơn về những băn khoăn, khuyến nghị của trẻ em toàn tỉnh, để có những giải pháp thiết thực, phù hợp tạo điều kiện giúp trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Được tham gia Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2024, em Nguyễn Hoàng Giang, lớp 8A3, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tại diễn đàn này, em mong muốn các bác, các chú lãnh đạo quan tâm xây dựng cho học sinh toàn tỉnh có môi trường học tập tốt hơn. Cùng với đó có các giải pháp xử lý nghiêm khắc về việc hút thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học, xử phạt nghiêm các bạn vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm và điều khiển xe điện đối với trẻ em chưa đủ tuổi.
Cùng với Diễn đàn trẻ em, trong 2 năm (2023, 2024), Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý cho Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Đây là một trong những mô hình hết sức đặc biệt của Trung ương Đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em đến với nghị trường Quốc hội.
Chị Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tại Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã tổ chức chương trình lắng nghe ý kiến trẻ em, tiếp xúc “cử tri trẻ em”; tập huấn, cung cấp thông tin, kỹ năng cho đại biểu thiếu nhi trước khi tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” toàn quốc; giao lưu, nghe chia sẻ của Đại biểu Quốc hội tỉnh... Tại mỗi phiên giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I năm 2023 và lần thứ II năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đều có 5 đại biểu đại diện cho thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh tham gia.
Theo đó, các đại biểu nhí cuaủa tỉnh đã mang nhiều ý kiến trong khuôn khổ chủ đề chính để nêu tại 2 phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023 và lần thứ II, năm 2024, gồm: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”; “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”; "Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là mô hình hoạt động mới, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến hoạt động chính trị, xã hội. Phiên họp giúp thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, qua đó cũng khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Qua 2 năm tổ chức, phiên họp được Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Đội trung ương đánh giá là hoạt động thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016; cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; triển khai Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027”.
Có thể thấy rằng, việc đánh giá đúng vai trò của trẻ em và thực hiện hiệu quả trách nhiệm trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em thời gian qua đã góp phần chăm lo tốt hơn cho trẻ em toàn tỉnh. Phát huy những kết quả đó, tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cùng toàn dân tiếp tục cùng chung tay, góp sức, có những hoạt động thiết thực dành cho trẻ em để mọi trẻ em đều có cơ hội được phát triển bình đẳng và ngày càng tốt đẹp hơn.
Ý kiến ()