Thực hiện lộ trình giá thị trường phải thận trọng về liều lượng, thời điểm
Giá bán lẻ xăng, dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào cơ bản nhất của nền kinh tế - đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay với mức 26.140 đồng/lít tại địa bàn đầu nguồn và 26.660 đồng/lít tại các địa bàn xa cảng đầu nguồn, chi phí kinh doanh cao. Dù mức tăng giá lần này chỉ 410 đồng/lít nhưng với điều kiện tổng cầu giảm, sức mua yếu, người dân hạn chế chi tiêu, nỗi lo về việc vừa phải kiểm soát tốt lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh tình trạng trì trệ trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) cũng như đảo lộn đời sống của người dân đang đè nặng trong những tháng cuối năm.
Theo Báo cáo về công tác điều hành giá xăng, dầu của Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm, giá xăng, dầu thế giới biến động phức tạp với xu hướng tăng hoặc đứng ở mức cao là chủ yếu. Ðể góp phần bình ổn giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng, dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường, đồng thời sử dụng công cụ tài chính nhằm hạn chế mức tăng giá, như Quỹ bình ổn giá (BOG). Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, lần tăng giá xăng, dầu gần đây nhất, nếu không sử dụng Quỹ BOG, thì mức tăng giá phải là 918 đồng/lít xăng, 437 đồng/kg dầu ma-dút thay vì tối đa 418 đồng/lít và 137 đồng/kg như thực tế.
Chỉ với bước tăng giá là 410 đồng/lít, nhưng giá xăng trong nước đã lập “đỉnh” trong lịch sử và điều này đã tạo nên nhiều lo ngại cho sự phát triển kinh tế. Phó Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Ngô Thị Ánh Dương cho rằng, việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình giá thị trường cần phải hết sức thận trọng, bởi cùng với những tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh thì giá của những mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu vẫn luôn có khả năng tạo thành những đợt “sóng ngầm”, tác động thị trường và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới. Các chuyên gia kinh tế đồng thuận cho rằng, để đạt mục tiêu lạm phát dừng ở con số 5-6%, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện lộ trình giá một số hàng hóa, dịch vụ (như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục) theo hướng thận trọng về liều lượng, thời điểm và lộ trình phù hợp; cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Theo nhận định của một số tổ chức kinh tế quốc tế, áp lực về lạm phát của kinh tế thế giới trong năm 2014 dự kiến ở mức vừa phải do nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ hồi phục chậm. Trong nước, tình hình SXKD vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tiêu dùng trong nước tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tồn kho còn cao… Từ nay đến cuối năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho SXKD năm 2013. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế còn bị ảnh hưởng sâu sắc của tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp, cũng như việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (điện, nước, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí…).
Ðể quản lý, điều hành và BOG từ nay đến cuối năm, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp BOG, kiểm soát lạm phát; phải từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá. Cục đang quyết liệt triển khai kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát như chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian… Cùng với đó, với các mặt hàng thiết yếu, cần giám sát chặt chẽ việc kê khai giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động sản xuất và đời sống nhân dân…
Trong nền kinh tế thị trường, có hai chủ thể được quyết định giá, một là thị trường, hai là Nhà nước. Và việc quyết định sản phẩm nào do ai định giá phải dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc đầu tiên là xem xét có hay không sự độc quyền của DN. Ðối với các sản phẩm tự do cạnh tranh thì giá sẽ do thị trường quyết định, còn đối với các sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải định giá; Nguyên tắc thứ hai là phải xem xét đến tính công khai, minh bạch của DN; Nguyên tắc thứ ba là vấn đề hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra đối với quản lý, bình ổn giá mặt hàng xăng, dầu hiện nay là liệu việc tự do hóa giá điện, xăng, dầu, than… sẽ tăng, giảm theo giá thị trường mà không có sự can thiệp của Nhà nước trong khi vẫn còn tình trạng độc quyền, có bảo đảm mang lại hiệu quả như mong đợi, nhất là không tạo gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt những hộ dân nghèo và các DN nhỏ và vừa? Theo tôi, Bộ Công thương cần thể hiện rõ trách nhiệm trong việc điều hành giá bán lẻ xăng, dầu. Bên cạnh đó, bản thân DN cần cố gắng giảm chi phí quản lý, kinh doanh, tiếp thị để giảm giá bán.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()