Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cước thư thường
Bắt đầu từ ngày 15-2, giá cước dịch vụ (GCDV) thư trong nước trọng lượng đến 20 g sẽ tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/thư. Việc tăng giá cước dịch vụ này nhằm rút ngắn lộ trình giảm trợ cấp của Nhà nước cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích.
Mới bù đắp được khoảng 80% giá thành
Ngày 6-3-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2009/QĐ-TTg (QĐ37) về việc Phê duyệt phương án điều chỉnh GCDV thư cơ bản (thư thường) trong nước đến 20 g; theo đó đến hết năm 2012, mức giá cước của một thư thường trong nước trọng lượng đến 20 g sẽ được điều chỉnh tăng bằng 80% giá thành và sau đó đạt bằng giá thành dịch vụ. Triển khai Quyết định trên, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tăng GCDV thư thường trong nước vào ngày 1-5-2009, từ 800 đồng lên 2.000 đồng/thư, tương đương 56% giá thành tại thời điểm bấy giờ. Việc điều chỉnh này đã có những tác động tích cực, tạo điều kiện cho BĐVN bù đắp được một phần chi phí cung ứng dịch vụ, rút ngắn lộ trình giảm trợ cấp Nhà nước. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế nước ta thời gian qua gặp nhiều khó khăn và trong bối cảnh thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…, BĐVN đã chủ động đề xuất lùi thời hạn điều chỉnh GCDV của các giai đoạn tiếp theo và được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Đến nay, khi tình hình kinh tế – xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đứng trước yêu cầu phải giảm dần theo lộ trình sự điều tiết hỗ trợ của Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, BĐVN nhìn nhận đây là thời điểm thuận lợi để tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh cước thư theo QĐ37.
Từ năm 2008 đến nay, chi phí đầu vào cho dịch vụ thư cơ bản đã tăng khoảng 10%, nhưng GCDV không tăng. GCDV thư cơ bản là cơ sở để xây dựng giá cước cho các dịch vụ bưu chính thương mại nên mức giá thấp đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của BĐVN.Bên cạnh đó, theo văn kiện của Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Việt Nam sẽ áp dụng cước đầu cuối dựa trên GCDV thư cơ bản trong nước trọng lượng đến 20 g từ năm 2017, khi đó giá cước càng thấp càng bất lợi trong việc thanh toán cước đầu cuối quốc tế.
Theo tính toán của BĐVN, việc điều chỉnh GCDV thư thường lên 3.000 đồng/thư sẽ bù đắp được khoảng 80% giá thành, tăng doanh thu mỗi năm thêm khoảng 50 tỷ đồng, tạo điều kiện cho BĐVN có kinh phí đầu tư các giải pháp công nghệ, nhằm tăng chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ phục vụ khách hàng, nhất là các dịch vụ bưu chính công ích mà Nhà nước yêu cầu. Không chỉ thế, lần tăng cước này và các nấc tiếp theo còn có tác động tích cực đến hoạt động của tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, tăng ngân sách Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Lựa chọn thời điểm thích hợp
Nhìn nhận rõ sự cần thiết trong việc tăng GCDV thư cơ bản, Bộ TTTT đã ban hành Văn bản số 174/BTTTT-BC đồng ý về thời điểm điều chỉnh cũng như mức giá cước do BĐVN đã đề xuất, theo đó GCDV thư thường trong nước đến 20 g có thể được điều chỉnh từ ngày 18-1 lên mức 3.000 đồng/thư. Nhưng BĐVN đã chủ động lùi thời hạn điều chỉnh đến ngày 15-2-2014. Giải thích về điều này, Phó Trưởng ban (PTB) phụ trách Ban Bưu chính (BĐVN) Hoàng Xuân Hạnh cho biết: Sản lượng thư trong nước đợt Tết Nguyên đán thường cao nhất trong năm, nên nếu tiến hành điều chỉnh giá cước trước Tết sẽ tác động lớn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của người dân, nhất là các khách hàng quen thuộc của dịch vụ này như người về hưu, bà con vùng sâu, vùng xa hay các chiến sĩ nơi hải đảo… Vì thế sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, BĐVN đã quyết định dời hạn điều chỉnh đến ngày 15-2-2014. Cũng theo chu kỳ, sản lượng thư trong nước sẽ đi vào “khoảng lặng” ở thời gian sau Tết, là lúc thích hợp nhất để thực hiện việc tăng giá cước, giảm đến mức thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội. Thời điểm này cũng hợp lý đối với các doanh nghiệp, khi họ có thời gian lên kế hoạch tài chính chuẩn xác hơn cho việc sử dụng dịch vụ bưu chính như gửi thư cho cổ đông, thông báo tài chính… vào tháng ba, tháng tư tới, là thời gian cao điểm của sản lượng bưu chính theo kinh nghiệm mọi năm. Nói về mức giá 3.000 đồng/thư, PTB Hoàng Xuân Hạnh chia sẻ: BĐVN, dựa trên nhiều số liệu thống kê, đã tập trung tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng về mức điều chỉnh giá lần này. Chẳng hạn thu nhập bình quân đầu người từ năm 2008 đến nay đã tăng 2,18 lần, lương tối thiểu tăng 2,3 lần… Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như sự bùng nổ của các ứng dụng điện tử, sản lượng thư thường ngày càng sụt giảm, trung bình hiện nay ở nước ta chỉ đạt 2,42 thư/người/năm. Như vậy, việc chi thêm vài nghìn đồng/năm cho dịch vụ thư thường sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người dân. Cũng theo thống kê của BĐVN, hiện nay, dịch vụ thư do cá nhân sử dụng chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng, còn lại 80% là do các cơ quan, tổ chức sử dụng để trao đổi thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp khối ngân hàng, bảo hiểm… Vì vậy, việc tăng giá đồng nghĩa với việc hạn chế sự ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước (mà cụ thể ở đây là dịch vụ bưu chính công ích), thúc đẩy doanh nghiệp có ý thức tự làm tròn mọi nghĩa vụ của mình đối với đất nước và xã hội.
Ngành bưu điện đã cân nhắc việc điều chỉnh GCDV thư cơ bản là cần thiết, thời điểm và mức giá cũng đã được tính toán phù hợp, nhưng dẫu sao việc tăng GCDV, ít nhiều cũng sẽ có tác động đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, rất cần có sự chỉ đạo của Bộ TTTT trong thời gian tới đối với BĐVN, nhằm nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng, dự báo đầy đủ những tác động ảnh hưởng đến từ lần điều chỉnh giá ngày 15-2 tới, trên cơ sở đó, đưa ra một lộ trình chuẩn xác, phù hợp cho những lần điều chỉnh tiếp theo, tiến tới đưa GCDV thư cơ bản về bằng đúng giá thành theo QĐ37 của Thủ tướng Chính phủ.
GCDV thư thường của Việt Nam hiện nay thấp hơn khoảng 4-16 lần so với các nước phát triển, thấp hơn 2-4 lần so với các nước trong khu vực và bằng khoảng 20% mức cước trung bình của các nước trên thế giới. Kèm theo đó, lượng thư quốc tế được gửi đến nước ta theo thống kê hiện đang nhiều hơn so với lượng được gửi đi từ Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam không những không nhận được, mà sẽ còn phải chi trả nhiều tỷ đồng hằng năm cho các chi phí dịch vụ thư quốc tế.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()