Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp - Công an tỉnh: Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
– Thực hiện Kế hoạch số 999 ngày 24/9/2021 giữa Công an tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về việc tăng cường công tác trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2023, Công an tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngay sau khi ký kết, lãnh đạo hai bên đã chỉ đạo các đơn vị, hội, chi hội trực thuộc quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung trọng tâm gồm: thông tin và phổ biến chủ trương, quy định chính sách mới như: quy định về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; quản lý cư trú; đăng ký phương tiện; ngành nghề có điều kiện; âm mưu, thủ đoạn mới của các loại tội phạm, phương pháp đấu tranh phòng ngừa; tổ chức phối hợp nắm tình hình, trao đổi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến an ninh trật tự, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án phòng, chống khủng bố, an ninh trật tự tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp huyện Cao Lộc ký giao ước chấp hành các quy định đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: HOÀNG THƠ – Công an tỉnh
Sau gần 1 năm thực hiện kế hoạch, Công an tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức 3 hội nghị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tiếp nhận và giải đáp 12 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị công an thường xuyên cập nhật phổ biến cơ chế chính sách mới về an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, sử dụng công cụ hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính… Cùng đó, tổ chức 14 lớp huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng công cụ hỗ trợ, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ thu hút gần 300 cán bộ, người lao động của 96 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia; cấp 1.091 giấy thông hành cho lái xe chuyên trách để doanh nghiệp kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu Tân Thanh thuận lợi hơn trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo phương thức mới; rà soát 169 thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp để đơn giản hoá và cắt giảm thời gian giải quyết cho doanh nghiệp…
Từ sự triển khai các nội dung phối hợp đó, nhiều vấn đề vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được tháo gỡ. Cụ thể, công tác kiểm tra các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện đã linh hoạt hơn, không còn hiện tượng trùng lặp, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc tổ chức thanh, kiểm tra của các phòng, ban của Công an tỉnh đối với doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện theo kế hoạch trước đây còn chưa hợp lý, có thời điểm trong 1 tháng, 1 doanh nghiệp phải tiếp, làm việc với nhiều đoàn kiểm tra của công an dẫn đến mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến công tác quản trị của doanh nghiệp thì giờ đây, tình trạng này đã được khắc phục khá triệt để.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Việc thường xuyên trao đổi thông tin giữa công an và doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp có nhiều thông tin hữu ích để thay đổi cách quản lý, quản trị và chủ động đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế thị trường. Từ đó, khích lệ doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Giang Sơn có trụ sở tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian qua, công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các phòng, ban của Công an tỉnh và Công an huyện Cao Lộc trong việc xây dựng phương án an ninh trật tự trong cơ sở sản xuất, hướng dẫn quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu nổ, phương án bảo đảm môi trường trong sản xuất kinh doanh… Nhờ đó, doanh nghiệp đã có thêm kiến thức giúp cho hoạt động sản xuất bài bản, an toàn và hiệu quả hơn.
Ngoài Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Giang Sơn, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng được Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố hỗ trợ hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã yêu cầu các phòng chức năng bố trí cán bộ ngay tại cửa khẩu Tân Thanh để giải quyết các thủ tục như: cấp giấy thông hành cho lái xe chuyên trách của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, Công an tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục bảo lãnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh theo thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh đã bảo lãnh cho 8 chuyên gia, 221 người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng, công an các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm vì người dân, doanh nghiệp phục vụ, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, Công an tỉnh rất mong muốn được lắng nghe, chia sẻ, phản ánh của doanh nghiệp cũng như tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới để lực lượng công an có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, thịnh vượng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ nhiều phía, các doanh nghiệp cần nhiều thông tin phục vụ sản xuất mở rộng kinh doanh. Do vậy, việc tăng cường phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Công an tỉnh là rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Ý kiến ()