Thực hiện hiệu quả Thông tư số 143/2023/TT-BQP
Từ ngày 15-2-2024, Thông tư số 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành ngày 27-12-2023 sẽ có hiệu lực.
Thông tư này có những điểm gì mới; các đơn vị cần tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện như thế nào để bảo đảm nghiêm minh, hiệu quả, đúng nguyên tắc xử lý kỷ luật và quy định? Trang Ý kiến chiến sĩ chia sẻ một số ý kiến xung quanh nội dung này.
Đại tá NGUYỄN CÔNG KHUÊ, Chính ủy Sư đoàn 3, Quân khu 1:
Học tập, chấp hành pháp luật phải là nhu cầu tự thân
Thông tư số 143/2023/TT-BQP đã bổ sung, giải thích rõ ràng, cụ thể nhiều từ ngữ, khái niệm mới về vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vắng mặt trái phép, đào ngũ, hành vi lưu học sinh quân sự không về nước theo quy định; bổ sung quy định về tình tiết giảm nhẹ, trường hợp chưa xem xét kỷ luật. Thông tư còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về các hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật tương ứng, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật. Những nội dung này đã cụ thể hóa các văn bản pháp luật của Nhà nước nhằm kịp thời xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước của quân nhân, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội; là cơ sở pháp lý để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ tập thể của mọi quân nhân. Thông tư đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thực tiễn ở đơn vị cơ sở như hiện tượng thiếu khách quan, động cơ không trong sáng hay do thù hằn cá nhân hoặc do nhận thức về điều lệnh chưa đầy đủ nên khi tiến hành xử phạt còn chưa đúng đắn, thống nhất, đúng thủ tục, còn lạm dụng thẩm quyền, tiến hành xử lý sai hình thức quy định, chưa thực sự phát huy quyền làm chủ tập thể của quân nhân.
Xác định rõ những yếu tố ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của quân nhân, Sư đoàn 3 chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung cơ bản của Thông tư số 143/2023/TT-BQP đến cán bộ, chiến sĩ với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực. Song song với đó, để cán bộ, chiến sĩ đơn vị chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc xây dựng nền nếp chính quy; duy trì nghiêm chế độ nền nếp ngày, tuần, lễ tiết tác phong quân nhân, làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh; quản lý chặt chẽ quân số, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, bộ phận công tác lẻ, ra ngoài doanh trại. Gắn công tác giáo dục chính trị tư tưởng với quản lý, duy trì kỷ luật, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và chính sách hậu phương Quân đội; đề cao vai trò nêu gương của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Mỗi quân nhân cũng cần phát huy tốt tính tích cực, tự giác trong tìm hiểu, nắm chắc và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, coi đó là nhu cầu tự thân để tránh vi phạm, dẫn đến phải xử lý kỷ luật.
Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn Đặc công 5 thực hiện hoạt động tiếp sức mùa huấn luyện. Ảnh: DUY HIỂN |
Thượng tá TRẦN HỒNG THANH, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Đặc công 5, Binh chủng Đặc công:
Không để bị động trong quản lý, duy trì kỷ luật
Thông tư số 143/2023/TT-BQP sửa đổi, bổ sung nhiều quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời, bám sát công tác quản lý bộ đội và nâng cao chất lượng xử lý kỷ luật trong Quân đội; đồng bộ giữa kỷ luật Quân đội với kỷ luật về Đảng; bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật. Lữ đoàn Đặc công 5 xác định đây là nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật nên ngay từ đầu năm, các đơn vị trực thuộc đã tiến hành phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng trên từng cương vị, chức trách được giao.
Tôi cho rằng, cùng với công tác giáo dục, quán triệt, để hạn chế vi phạm kỷ luật, việc tự giác nêu gương của cán bộ, nhất là chỉ huy các cơ quan, đơn vị có vai trò đặc biệt quan trọng. Đối với đơn vị thực hiện nhiệm vụ độc lập, công tác nhỏ lẻ, xa sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của cấp trên, đội ngũ cán bộ càng phải nêu cao tinh thần tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của Binh chủng và Lữ đoàn… Bên cạnh đó, cán bộ các cấp cần gần gũi, gắn bó cán-binh, coi chiến sĩ như người thân để nắm, quản lý tốt tình hình, diễn biến tư tưởng của bộ đội; chủ động phát hiện những vướng mắc, không để bị động, bất ngờ, kịp thời động viên và có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra. Đặc biệt, cần tránh các biểu hiện thụ động, giản đơn trong công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, kỷ luật và nắm tư tưởng của bộ đội.
—————–
Trung tá NGUYỄN VĂN THƯỞNG, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An:
Xử lý vi phạm công bằng, nghiêm minh
Chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ những điểm mới, nổi bật của Thông tư số 143/2023/TT-BQP và xây dựng giáo án, lấy đầu mối đơn vị để quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị cũng chỉ đạo tổ giáo viên giáo dục chính trị, pháp luật xây dựng bộ câu hỏi, đáp án liên quan đến thông tư và tổ chức kiểm tra qua nhóm Zalo nội bộ của đơn vị theo hình thức mỗi ngày một câu hỏi. Thực tiễn đã khẳng định, khi nào cán bộ chủ trì phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu chấp hành pháp luật, kỷ luật, gần gũi, thương yêu, giúp đỡ cấp dưới thì chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên sẽ đến nhanh với bộ đội, được chuyển hóa thành nhận thức và hành động tích cực của họ. Từ đó, tôi luôn ý thức về mọi lời nói, hành động của mình trong công việc và cuộc sống. Nói đi đôi với làm, làm việc công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc, thấu tình, đạt lý; có nền nếp, kỷ cương, đúng quy định của Đảng, điều lệnh của Quân đội; chuẩn mực trong quan hệ giao tiếp, ứng xử để cấp dưới coi đó là mực thước, khuôn mẫu học tập, làm theo. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, khắc phục mọi biểu hiện thiếu gương mẫu, nói không đi với làm, nói nhiều làm ít; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm với tinh thần không bao che, không có vùng cấm.
——————
Thiếu tá PHẠM KHẮC ĐỨC, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Cô Tô, Lữ đoàn 242, Quân khu 3:
Tự giác nêu gương để cấp dưới noi theo
Đảo Cô Tô là nơi có rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ cùng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đóng quân phân tán, khiến công tác nắm, quản lý tư tưởng bộ đội và việc bảo đảm an toàn giao thông khó khăn. Các chiến sĩ dễ bị dao động, cám dỗ bởi các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng mà xao nhãng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Thông tư số 143/2023/TT-BQP có nhiều điểm mới, nổi bật là nêu rõ đối tượng áp dụng; giải thích cụ thể, chi tiết các khái niệm, hành vi vi phạm kỷ luật; quy định, quy trình xử lý kỷ luật chặt chẽ, bổ sung các tình tiết giảm nhẹ. Những điểm mới đó giúp Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn giải quyết các trường hợp quân nhân vi phạm được công bằng, chính xác, đúng người, đúng việc hơn. Tôi cùng các đồng chí chỉ huy sẽ căn cứ vào hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và chủ động xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt các nội dung của thông tư đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thông qua sinh hoạt tập trung, phát thanh nội bộ, bảng tin với các hình thức đa dạng, phong phú như sân khấu hóa, xây dựng các chuyện kể về kỷ luật để bộ đội dễ tiếp thu. Bản thân tôi cũng tích cực nêu gương để cấp dưới tin tưởng, tự giác chấp hành quy định của đơn vị, nỗ lực hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nắm bắt tốt tâm tư, tình cảm, khó khăn, vướng mắc của bộ đội, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, qua đó hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm.
———————
Thượng úy PHAN NGỌC SIÊU, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 29, Quân khu 9:
Gần gũi, lắng nghe bộ đội
Qua nghiên cứu, tìm hiểu nội dung Thông tư số 143/2023/TT-BQP, tôi nhận thấy đây là cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng để tiếp tục giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội ta ngày càng chính quy, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đơn vị chúng tôi quản lý đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ năm thứ nhất. Để chiến sĩ nắm chắc quy định của Thông tư số 143/2023/TT-BQP, chúng tôi tiến hành tổ chức phổ biến, quán triệt lồng ghép vào các giờ đọc báo, sinh hoạt các cấp trong đại đội và đặc biệt vào các buổi sinh hoạt “Mỗi tuần học một điều luật”, “Ngày chính trị và văn hóa tinh thần”, cập nhật trên bảng “Điều luật” của đơn vị để mọi quân nhân tự nghiên cứu, tìm hiểu. Trên cương vị Chính trị viên Đại đội, tôi sẽ luôn gần gũi bám nắm tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, kịp thời động viên, tư vấn những vướng mắc dễ dẫn đến các hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật; phát huy dân chủ tập thể, tránh tư tưởng gia trưởng, độc đoán, mệnh lệnh hành chính. Chú trọng phương pháp giáo dục, lấy thuyết phục là chính; phối hợp cùng gia đình điều chỉnh hành vi vi phạm, tạo điều kiện để quân nhân khắc phục khuyết điểm. Dự báo và cụ thể hóa vấn đề chấp hành kỷ luật vào nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, cũng như đề xuất cấp trên những vấn đề, nội dung, biện pháp cần thiết để duy trì nghiêm kỷ luật trong đơn vị.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()