Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, Chương trình OCOP sẽ được tiến hành đồng bộ trên cả nước nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. | |
Các địa phương tích cực vào cuộc Ngay từ khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) xây dựng Chương trình OCOP quy mô toàn quốc, tháng 9-2017, Bộ NN và PTNT đã tổ chức các đoàn công tác chuyên đề, xây dựng khung kế hoạch và tổ chức quán triệt, hướng dẫn các địa phương trên cả nước xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện. Ðến thời điểm này, có 60 trong số 63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề cương Chương trình OCOP, trong đó 40 tỉnh đã phê duyệt đề cương, 30 tỉnh lập xong đề án (trong đó các tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn, Quảng Nam, Bắc Giang và Ninh Bình đã phê duyệt đề án; riêng tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đề án giai đoạn 2). Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Quảng Ninh hiện là tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP. Cụ thể, từ năm 2013 đến 2017, có 31 sản phẩm chủ lực cấp huyện đã ghi trong đề án OCOP, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển 31 sản phẩm chủ lực cấp huyện, 12 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sáu sản phẩm chủ lực cấp quốc gia. Trong năm 2017, Quảng Ninh đã thẩm định và ra quyết định cho 61 sản phẩm OCOP đăng ký mới tại các địa phương được tham gia Chương trình OCOP. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo OCOP Quảng Ninh Ðặng Huy Hậu, toàn bộ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đang được triển khai chủ trương dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc. Viễn thông Quảng Ninh cũng đã triển khai thí điểm cung cấp sản phẩm VNPT- Check. Qua đó, có 65 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được dán tem điện tử thông minh VNPT-Check; 238 sản phẩm đã được dán tem với 92 nghìn tem điện tử được in và gửi đến các doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 190 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP và bán hàng tại hội chợ OCOP. Trong đó, số tham gia chính thức là 129 tổ chức kinh tế (30 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 59 hộ sản xuất khác). Theo đề án giai đoạn 2017- 2020, năm 2018 lấy chủ đề là “Tiêu chuẩn chất lượng” với mục tiêu là 100% lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia OCOP được đào tạo, tập huấn về công tác quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; 100% đơn vị cấp huyện xây dựng quy hoạch, kế hoạch bố trí các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho phát triển sản xuất sản phẩm OCOP… Là tỉnh mới phê duyệt đề án, Quảng Nam là địa phương có nhiều lợi thế để triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Toàn tỉnh hiện có khoảng 145 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc sáu nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm và nội thất, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Tổng doanh thu hằng năm của các sản phẩm này đạt hàng trăm tỷ đồng. Việc thực hiện Chương trình OCOP hứa hẹn sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, gắn phát triển nông thôn với đô thị, đồng thời tạo ra môi trường khởi nghiệp ở các vùng, qua đó hỗ trợ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ðối với Bắc Cạn, toàn tỉnh hiện có 28 sản phẩm thế mạnh, trong đó có 11 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, năm sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm khoảng 73,5 tỷ đồng/năm. Cùng trong nhóm mới phê duyệt đề án, tỉnh Hà Giang có năm sản phẩm thế mạnh, thuộc bốn nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có một sản phẩm (cam sành); nhóm đồ uống có hai sản phẩm (rượu thóc, ngô men lá; chè shan tuyết); nhóm thảo dược có hai sản phẩm (dược liệu, mật ong bạc hà) và nhóm sản phẩm vải và may mặc có một sản phẩm. Tuy nhiên, cơ bản các sản phẩm của tỉnh chưa có đăng ký công bố chất lượng và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhiều khó khăn cần khắc phục Trong tiến trình thực hiện Chương trình OCOP, mỗi địa phương (làng, xã) tùy theo điều kiện cụ thể về tiềm năng, lợi thế riêng để lựa chọn những sản phẩm độc đáo xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Thực tế tại những địa phương đã triển khai giai đoạn 2 như Quảng Ninh hay những địa phương đã phê duyệt đề án như Quảng Nam, Bắc Cạn, Hà Giang…, việc hình thành OCOP đã tạo động lực và đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chương trình vẫn còn hạn chế do đặc thù của từng địa phương. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết: Hạn chế hiện nay của tỉnh trong thực hiện chính là nhiều sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có nhãn mác hoặc có nhưng nội dung ghi nhãn thiếu thông tin theo quy định; chưa có mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; thị trường tiêu thụ các sản phẩm gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Trong khi đó, các chủ thể sản xuất chủ yếu quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, tính liên kết thấp; hạn chế về tư duy thị trường; chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm. Tại TP Hội An (Quảng Nam) vốn có khá nhiều sản phẩm đặc trưng nhưng các sản phẩm vẫn chưa đa dạng và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đặc biệt khâu xuất khẩu còn yếu. Chị Ðông Phương, chủ cửa hàng đèn lồng Tuổi Ngọc trên phố Trần Phú (TP Hội An) chia sẻ: “Những năm gần đây việc buôn bán các mặt hàng truyền thống đang có dấu hiệu chững lại do du khách chủ yếu đến tham quan. Vì vậy, việc kinh doanh các đồ lưu niệm như đèn lồng, mây tre đan chỉ mang tính lưu giữ nghề và tạo công ăn việc làm cho số ít lao động. Hy vọng thời gian tới, việc triển khai Chương trình OCOP sẽ giúp việc quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Hội An đến nhiều địa phương trong nước và bạn bè quốc tế. Từ đó giúp tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh các mặt hàng truyền thống”. Ðối với Quảng Ninh, dù đi đầu trong thực hiện Chương trình OCOP nhưng cũng không tránh khỏi vướng mắc. Ðó là việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn còn ít; số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của một số địa phương chưa tương xứng tiềm năng lợi thế; chất lượng sản phẩm còn ở tầm địa phương, tính cạnh tranh yếu. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng, sản lượng tốt thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh về giá và thị trường với các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa hợp chuẩn, hợp quy gây khó khăn trong khâu tiêu thụ. Một số sản phẩm OCOP chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ để chủ động sản xuất; một số sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng song không đủ đáp ứng số lượng và sản xuất còn mang tính chất thời vụ như mật ong, rượu men lá, củ cải phên, các loại lá tắm… Có thể thấy, để Chương trình OCOP đạt được những thành công trong thực tế, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ cho sản phẩm OCOP. Trong đó, cần xây dựng được kế hoạch chi tiết các sản phẩm chủ lực, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện đề án ngay tại địa phương. Ðáng chú ý, không thể thiếu sự tham gia đóng góp ý kiến của nông dân – những người trực tiếp làm ra các sản phẩm nhằm phát huy được tính sáng tạo của cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
|
Theo Nhandan
Ý kiến ()