Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nông thôn là khu vực tiềm năng để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong ảnh: Nông dân xã Vân Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội) thu hoạch ớt.
Từ 1-1-2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn chưa tạo sự đột biến, bởi còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách này.
Tỷ lệ tham gia còn thấp
Ðánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ – TB và XH) cho thấy, qua chín năm thực hiện, mặc dù tốc độ tăng BHXH tự nguyện đã cao hơn so với BHXH bắt buộc nhưng con số tuyệt đối còn rất hạn chế. Ðến nay, mới có hơn 200 nghìn người tham gia, chiếm khoảng 0,47% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ðáng lưu tâm, năm 2016 số người tham gia BHXH tự nguyện giảm tới 6% so với năm 2015. Ðiều này được lý giải là do theo quy định mới của Luật BHXH năm 2014, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2016 (trước năm 2016 nhóm đối tượng này thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện). Ðến năm 2017, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm 12%, song tốc độ tăng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Thực tế, mặc dù tốc độ tăng BHXH tự nguyện bình quân khá cao nhưng số tuyệt đối chỉ tăng khoảng hơn
30 nghìn người/năm.
Có thể thấy, tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH thời gian qua chậm là do đối tượng chính của BHXH tự nguyện chủ yếu là người lao động tự do, nông dân. Ðây là đối tượng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, mặt bằng thu nhập thấp và không ổn định, cùng tâm lý tiêu dùng và chưa có hướng tích lũy lâu dài, dẫn tới nhu cầu tham gia BHXH chưa cao. Bên cạnh đó, việc BHXH tự nguyện mới chỉ thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất cũng là những hạn chế lớn khó thu hút được người dân tham gia, trong khi điều kiện về thời gian đóng kéo dài dẫn tới tâm lý ngại chờ đợi; chính sách hỗ trợ tiền đóng chậm được triển khai do khả năng cân đối ngân sách.
Khảo sát của BHXH tại một số địa phương cho thấy, những người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người lao động tự do và nông dân (khu vực phi chính thức), với đặc thù thu nhập bấp bênh, không bền vững. Do đó, việc hỗ trợ tiền đóng từ 10 đến 30% trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn sẽ là giải pháp thiết thực để thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Với người tham gia BHXH đóng theo phương thức một lần, số tiền hỗ trợ cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng một năm. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo thống kê, cả nước có khoảng 40 triệu người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu là người từ nông thôn ra. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh sản xuất và người lao động tự do đều trốn tránh việc không đăng ký lao động, không tham gia các loại BHXH. Vì vậy, cần nhanh chóng chính thức hóa lao động phi chính thức, khuyến khích tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc khu vực này. Theo Tiến sĩ Ðặng Kim Sơn, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, về dài hạn, BHXH cần tập trung đối tượng là người lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, người dân sống ở nông thôn. Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức cũng sẽ khả thi nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH. Người lao động thấy rõ việc tham gia BHXH mang lại lợi ích về nhiều mặt, bản thân họ sẽ chủ động tham gia. Việc áp dụng các hình thức hỗ trợ nên được thí điểm ở khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng cà-phê, làng nghề… trước khi nhân rộng.
Thứ trưởng Bộ LÐ-TB và XH Lê Quân cũng cho rằng, dù có hỗ trợ của Nhà nước song cũng chưa kỳ vọng có sự đột biến về người tham gia BHXH tự nguyện như với người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Bởi đối với BHYT, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc hỗ trợ phần lớn, nhưng BHXH tự nguyện chỉ hỗ trợ một phần, trong khi còn rất nhiều rào cản để tham gia BHXH tự nguyện. Một trong các rào cản là vấn đề tâm lý của người tham gia, bởi hiện nay BHXH tự nguyện có thời gian đóng quá dài (20 năm). Về lâu dài, chính sách BHXH tự nguyện cần được điều chỉnh để linh hoạt hơn, khắc phục các hạn chế, tạo ra mức độ hấp dẫn hơn đối với người dân, cả lợi ích dài hạn và ngắn hạn.
Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ LÐ-TB và XH đã có công văn gửi cơ quan BHXH Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong thực hiện chính sách BHXH, Bộ LÐ-TB và XH cũng đề nghị BHXH Việt Nam: thông tin kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện sáu tháng đầu năm 2018 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói chung và đối với nông dân nói riêng. Ðồng thời, báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói chung và đối với nông dân nói riêng. Những kiến nghị, đề xuất của cơ quan BHXH trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, để trên cơ sở đó có sự điều chỉnh hợp lý đối với chính sách này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()