Thực hiện gói 10.000 tỉ đồng phải gắn với nhu cầu thực tế của ngư dân
Tại tọa đàm khoa học “Đóng tàu đánh bắt cá vỏ sắt” do Hội Khoa học kĩ thuật và Kinh tế biển, Đại học Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/6, các chuyên gia và đại diện ngư dân đều cho rằng, gói 10.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển (đóng tàu vỏ sắt) là chủ trương đúng đắn nhưng để đảm bảo tính khả thi cần phải có cách thức đảm bảo ngư dân làm chủ phương tiện cũng như đem lại hiệu quả kinh tế.
Tàu cá vỏ sắt đầu tiên của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hạ thủy và đi vào |
Ông Phạm Non, Giám đốc Công ty TNHH Mai Biển, Quảng Ngãi – người gắn bó mật thiết với ngư dân cho rằng: Nhà nước đưa tiền cho doanh nghiệp đóng tàu xong giao cho người dân cùng với khoản nợ hàng tỉ đồng thì sẽ không tạo được niềm tin mà phải để ngư dân nắm và trực tiếp giám sát nguồn tiền của mình. Bên cạnh đó, cần có mô hình mẫu, nếu ồ ạt làm ngay sẽ dẫn đến lãng phí nguồn vốn vì đối với ngư dân, hiệu quả chuyến đi biển mới là điều quan tâm nhất. Hiện ở Quảng Ngãi nói riêng đang còn rất nhiều tàu vỏ gỗ đã đóng xong hoặc đang đóng, nếu tiếp nhận ồ ạt tàu vỏ sắt thì lượng tàu gỗ này sẽ giải quyết ra sao, ngư dân không thể trả nợ đã vay, con em họ sẽ mất công ăn việc làm. Vì thế chương trình đóng tàu vỏ sắt cần có lộ trình, phải phát huy nguồn lực đang có đồng thời có kế hoạch giảm dần tàu vỏ gỗ, chuyển qua tàu vỏ sắt.
Cũng theo ông Phạm Non, ngư dân Quảng Ngãi tiếp nhận tàu vỏ sắt với tâm lý dò xét vì đang muốn tìm hiểu xem vốn bao nhiêu, lãi thế nào bởi tàu vỏ gỗ thì dễ nhận thấy nhưng nhận tàu vỏ sắt thì chưa biết đi đến đâu. Ngoài ra ngư dân cũng lo lắng về công tác bảo trì của tàu vỏ sắt tốn kém hơn tàu vỏ gỗ, trong khi ở Quảng Ngãi chưa có xưởng đóng và bảo trì tàu vỏ sắt. Điển hình, ngư dân Quảng Ngãi có tiếp nhận mẫu tàu vỏ thép (tàu Hoàng Anh 01), theo phản ánh của chủ tàu thì mọi thứ đều tốt tuy nhiên có vấn đề về thiết kế giữa vỏ với trục chân vịt và chân vịt khiến tàu tiêu hao nhiều năng lượng. Vì vậy, các đơn vị thiết kế tàu vỏ sắt cần đi biển cùng dân, có mặt tại bãi đò của ngư dân, lắng nghe ý kiến của họ để thiết kế các mẫu tàu phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
Đồng quan điểm này Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình này muốn làm nhanh, hiệu quả thì nhà thiết kế phải đi biển trên con tàu của ngư dân để thiết kế phù hợp. Mặt khác, Nhà nước phải đứng ra “bao cấp” một phần vì đây là chiến lược bảo vệ hải đảo chứ không chỉ dừng lại ở đánh bắt và tiêu thụ cá. Nhà nước cũng phải nhìn ngư dân không chỉ là người đánh cá đơn thuần mà như chiến sĩ đang bảo vệ vùng biển và vùng hải đảo của tổ quốc.
Chuyên gia tàu cá, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hòe cho rằng: Đóng tàu vỏ sắt phải hợp đồng với từng ngư dân, thiết kế phải bám sát với ngư dân, đừng áp đặt theo kiểu đóng xong rồi giao đồng loạt sẽ phản tác dụng, dẫn đến Nhà nước và ngư dân cùng phá sản. Ngư dân rất muốn tàu tốt, tàu hiện đại nhưng mối quan tâm hàng đầu của họ là hiệu quả, do vậy phải làm mô hình mẫu cho ngư dân “mắt thấy tay sờ”, để ngư dân tin và tiếp nhận.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()