Thực hiện dự án đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thành phố Lạng Sơn: Còn nhiều khó khăn
– Dự án đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính và lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn thành phố Lạng Sơn được triển khai năm 2018 với mục tiêu thiết lập những tài liệu bản đồ chính xác để quản lý, khai thác sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2020, tuy nhiên, thời điểm này đã là cuối năm 2021 nhưng khối lượng thực hiện dự án mới đạt 50% kế hoạch đề ra.
Trong những năm qua, quá trình đô thị hoá trên địa bàn thành phố diễn ra mạnh mẽ, có những phường, xã biến động đất đai lên tới 80% diện tích tự nhiên. Do vậy, việc triển khai dự án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho người dân là rất quan trọng, góp phần tăng cường công tác quản lý đất đai, hỗ trợ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án và thúc đẩy các ngành kinh tế khác của thành phố phát triển. Để thực hiện dự án, năm 2018, UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai đo đạc, chỉnh lý, lập hồ sơ địa chính đối với hơn 57,3 nghìn thửa đất tại 8/8 phường, xã.
Cán bộ Công ty Cổ phần trắc địa bản đồ Hà Nội giải thích, hướng dẫn người dân phường Hoàng Văn Thụ hoàn chỉnh giấy tờ liên quan đến cấp GCNQSDĐ
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, các đơn vị mới thực hiện đo đạc xong tại 6/8 phường, xã; về công tác kê khai lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ mới thực hiện được 29,3/57,3 nghìn thửa, tương đương 51% số thửa cần cấp. Các đơn vị đã thực hiện xét duyệt hơn 16,4 nghìn hồ sơ và thẩm định đủ điều kiện đối với gần 7.000 hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ gần 1.300 hồ sơ. Sở dĩ khối lượng trình ký GCNQSDĐ theo thẩm quyền đạt rất thấp bởi trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện có thay đổi về quy định của pháp luật, điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật thực hiện, do đó, phải thực hiện điều chỉnh đối với các hồ sơ đã kê khai trước đó. Bên cạnh đó, khi kê khai cấp GCNQSDĐ đến công đoạn in thì một số GCNQSDĐ có thay đổi thông tin cá nhân của người sử dụng đất như: thay đổi chứng minh nhân dân thành căn cước công dân; thay đổi số nhà, số ngõ… dẫn đến hồ sơ địa chính có nhiều sai sót phải chỉnh sửa mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, do bản đồ địa chính trước đây có sự sai lệch nhất định so với bản đồ đo mới. Dẫn đến các thửa đất có sự biến động về ranh giới diện tích so với GCNQSDĐ và bản đồ địa chính cũ. Không những vậy, một số chủ sử dụng đất không thường trú trên địa bàn nên việc quy chủ thửa đất gặp nhiều khó khăn…
Ông Bùi Văn Long, Đội trưởng Đội thi công Công ty Cổ phần Trắc địa bản đồ Hà Nội, đơn vị triển khai dự án tại địa bàn phường Đông Kinh, phường Hoàng Văn Thụ và xã Hoàng Đồng cho biết: Do biến động đất đai rất lớn, ranh giới các thửa đất có sự sai khác nhiều giữa giấy chứng nhận đã được cấp trước đây với kết quả đo đạc mới theo hiện trạng nên đơn vị thi công phải mất rất nhiều thời gian phối hợp với người sử dụng đất, chính quyền cơ sở để rà soát, xác minh hoàn thiện hồ sơ địa chính. Đây là nguyên nhân chính khiến khối lượng thực hiện của đơn vị chậm tiến độ. Trong tổng số hơn 11 nghìn hồ sơ cấp đổi mà đơn vị phải thực hiện, đến nay, đơn vị mới bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Lạng Sơn thẩm định được khoảng 2.500 hồ sơ.
Bà Trần Thị Mai Anh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, đơn vị được giao chủ đầu tư thực hiện dự án cho biết: Từ thực tế việc triển khai gặp nhiều vướng mắc, khó hoàn thành dự án trong năm 2021, phòng đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã thực hiện rà soát khoanh lại các thửa đất tranh chấp, lấn, chiếm không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ để xử lý sau và tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ kê khai đối với các thửa đất đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân.
Đối với các thửa đất đã hoàn thành kê khai, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm định. Theo đó, tháng 6/2021, UBND thành phố đã tăng cường thêm 5 viên chức tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để thực hiện thẩm định hồ sơ đủ điều kiện và chỉ đạo đơn vị thi công rà soát in giấy để trình cấp có thẩm quyền ký theo quy định.
Được biết, do khối lượng công việc còn rất lớn, hơn nữa, đây là vấn đề phức tạp nên chủ đầu tư đang xin gia hạn thực hiện dự án đến hết năm 2022 để dự án được triển khai bảo đảm chất lượng, cơ sở dữ liệu thống nhất, có như vậy, việc quản lý, khai thác sử dụng đất đai vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội mới thực sự phát huy hiệu quả.
TRANG NINH
Ý kiến ()