Thực hiện Dự án 6 ở Lạng Sơn: Nhân đôi lợi ích
Người dân tham quan, mua sắm các sản phẩm thêu, dệt truyền thống tại Lễ hội Háng Pỉnh năm 2023
–Triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Dự án 6), tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách.
Trên cơ sở mục tiêu của Dự án 6, nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng…, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Qua đó, đem lại lợi ích kép, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS, vừa góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch trên địa bàn.
Gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống
Thực hiện Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 5/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về hướng dẫn thực hiện Dự án 6, UBND tỉnh đã giao Sở VHTT&DL là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu triển khai thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, chia làm nhiều giai đoạn nhằm phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn di sản văn hoá tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, việc thực hiện Dự án 6 được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025 và từ năm 2026 – 2030. Trong giai đoạn 1, từ năm 2022 đến nay, Sở VHTT&DL đã cùng với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố và cấp cơ sở, các tổ chức liên quan cũng đã tích cực triển khai thực hiện một số tiểu dự án thành phần như: chống xuống cấp, tu bổ di tích hang Cốc Mười và Pác Lùng – Ký Làng (di tích quốc gia) xã Tri Phương huyện Tràng Định; nghiên cứu phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Quan Lang dân tộc Tày, huyện Bắc Sơn; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong Lễ hội truyền thống Háng Pỉnh, gắn với phục dựng, tái hiện chợ phiên Kỳ Lừa xưa; xây dựng mô hình bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng phàn slình (Nùng Cúm Cọt) xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc; tổ chức lớp truyền dạy hát Páo Dung dân tộc Dao và hát Then dân tộc Tày, Nùng tại huyện Hữu Lũng.
Nổi bật, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các câu lạc bộ được truyền dạy các kiến thức, thực hành trình diễn một số loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian và được đầu tư trang phục, dụng cụ phục vụ sinh hoạt và biểu diễn với tổng chi phí hỗ trợ khoảng 1,2 tỷ đồng. Các câu lạc bộ đi vào hoạt động đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Dự án 6 không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị di sản mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, góp phần tạo sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng, nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được hơn 12 tỷ đồng, hơn 7.000 ngày công lao động và hiến gần 5.000m2 đất để xây dựng các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 1.666/1.676 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 99,4%).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 139 di tích được xếp hạng các cấp; hơn 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Xứ Lạng |
Bà Hà Thị Trinh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện Dự án 6, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã mở được 4 lớp truyền dạy múa sư tử, thêu dệt thổ cẩm, hát Sli với hơn 100 học viên tham gia. Cùng đó, để tạo điều kiện cho các CLB, đội văn nghệ hoạt động, huyện Cao Lộc chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao, mua sắm trang thiết bị như tăng âm, loa đài… Nhờ đó, riêng từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã khuyến khích nhân rộng được khoảng 20 CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng nâng tổng số CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn lên hơn 50 CLB, trung bình mỗi CLB có từ 15 – 30 hội viên tham gia. Hoạt động của các CLB văn hoá, văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã và đang lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Cùng với huyện Cao Lộc, các huyện, thành phố hiện nay đã và đang tích cực thực hiện Dự án 6 và đạt nhiều kết quả thiết thực, cụ thể 11 huyện, thành phố đã xây dựng chính sách và hỗ trợ cho 19 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS; hỗ trợ hoạt động cho 140 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ Ngày hội thi đấu thể thao truyền thống các DTTS tại huyện Đình Lập và Bắc Sơn năm 2023; hỗ trợ đầu tư 18 bộ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS.
Có thể thấy, các hoạt động của dự án đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước tạo đà cho du lịch phát triển. Bởi lẽ, di sản là nguồn tài nguyên lớn để khai thác du lịch.
Tạo đà cho du lịch phát triển
Không chỉ đem lại hiệu quả trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, việc thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch còn tạo nên những sản phẩm du lịch mới vô cùng hấp dẫn.
Cụ thể, trong năm 2023, ngành VHTT&DL đã triển khai hỗ trợ một số điểm du lịch tại các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, qua đó hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm nông nghiệp văn hoá tại Bắc Quỳnh (Bắc Sơn); du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Yên Thịnh (Hữu Lũng); du lịch lịch sử văn hoá, sinh thái trải nghiệm. Qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức làm du lịch của người dân.
Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền Dự án 6 bằng nhiều hình thức, huyện Chi Lăng tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh việc khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Từ năm 2022 đến nay, huyện Chi Lăng đã tập trung xây dựng và khai thác 2 tuyến du lịch chính: du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh và du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái trải nghiệm. Qua đó, tăng sức hút cho các sản phẩm du lịch địa phương. Năm 2023, huyện Chi Lăng đã đón gần 360.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 10% so với năm 2022.
Thành viên câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian dân tộc Nùng, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc biểu diễn tiết mục hát then, đàn tính tại lễ ra mắt
Công tác bảo tồn di sản văn hoá dân tộc được quan tâm đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt, thu hút du khách khi đến Xứ Lạng. Một số mô hình phát triển du lịch văn hoá đã hình thành và được các đơn vị tổ chức hiệu quả, tiêu biểu phải kể đến hoạt động đổi mới công tác tổ chức lễ hội Háng Pỉnh. Trong năm, Bảo tàng tỉnh đã điều tra, khảo sát, lập trên 200 phiếu kiểm kê về công tác bảo tồn, phát huy lễ hội Háng Pỉnh trên địa bàn một số huyện, thành phố; đồng thời, thực hiện bộ phim khoa học về lễ hội Háng Pỉnh và tổ chức lễ hội từ ngày 26 đến ngày 29/9/2023 với nhiều hoạt động đặc sắc như: Giao lưu hát then, sli, lượn; múa sư tử, võ thuật, trò diễn, lảy cỏ… thu hút gần 10.000 lượt người tham gia.
Ngoài Lễ hội Háng Pỉnh, trong năm 2023, hàng loạt sự kiện văn hoá du lịch, lễ hội lớn đã được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh và thu hút rất đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội hoa đào; Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn; Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn năm 2023; Lễ hội Na Chi Lăng; Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Chi Lăng; Ngày hội văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn; Lễ hội mùa vàng Bắc Sơn… Qua đó, tạo dựng nhiều hình ảnh đẹp về đất và người Xứ Lạng trong lòng du khách. Chị Chu Thị Yến, thành phố Bắc Giang cho biết: Tôi thấy du lịch của Lạng Sơn ngày càng có sự khởi sắc, các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông được gìn giữ, lưu truyền một cách trân trọng. Tham dự vào Lễ hội Văn hoá các dân tộc thành phố Lạng Sơn, tôi thấy từ người già đến trẻ em ai cũng mặc trang phục truyền thống rất đẹp mắt, tôi ấn tượng.
Từ thực tế trên cho thấy, Dự án 6 được triển khai trên địa bàn đã và đang trở thành động lực phát triển du lịch; góp phần mang lại thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Theo số liệu từ Sở VHTT&DL, năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022); thu nhập từ lĩnh vực du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng; (tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Những con số trên chính là minh chứng cho hiệu quả từ việ triển khai Dự án 6 trên địa bàn tỉnh, góp phần biến văn hoá trở thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững, biến di sản thành tài sản.
TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()