Thực hiện đồng bộ và kiên quyết các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Tuần qua, theo dõi một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm lắng nghe các đại biểu QH phân tích, cho ý kiến về các báo cáo của các cơ quan tư pháp trung ương về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả công tác, giải pháp phòng, chống tham nhũng trong những năm tới.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu QH cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá của Chính phủ trong năm 2015, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có sự chuyển biến rõ nét với nhiều kết quả nổi bật, thể chế chính sách PCTN được toàn diện hơn, công khai minh bạch hơn. Công tác kiểm tra, giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh hơn, các biện pháp tuyên truyền giáo dục phòng ngừa được đẩy mạnh. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, được đưa ra xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và xã hội trong công tác PCTN tiếp tục được phát huy và đạt những kết quả tích cực. Một số vụ án tham nhũng được khởi tố, điều tra qua thông tin do báo chí, người dân cung cấp. Quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng từng bước được hoàn thiện hơn.
Mặt khác, năm nay, tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các dự án luật, pháp lệnh, nghị định trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, nhiều văn bản trực tiếp liên quan đến công tác PCTN đã được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Bên cạnh kết quả quan trọng đã đạt được, trong năm 2015, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Nhiều đại biểu QH đã phát biểu tại nghị trường, làm rõ, phân tích cụ thể hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan vì sao việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm, trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực? Tại sao việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn chậm, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp? Tại sao chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, còn thiếu quy định khả thi để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn? Đại biểu QH cũng rất quan tâm việc đánh giá kết quả, tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đến nay như thế nào? Hiệu quả công tác PCTN của các cơ quan có chức năng, nhất là các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng?
Rõ ràng, tại kỳ họp cuối năm, gần thời gian kết thúc nhiệm kỳ QH khóa XIII, đại biểu QH vẫn chưa thể yên tâm, còn rất lo lắng về vấn nạn tham nhũng diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ thực tế tại nhiều nơi, thông qua mua chuộc, “chạy chọt”, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật, điều chỉnh quy hoạch xây dựng tạo kẽ hở để hưởng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, làm thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức công vụ, tình trạng yếu kém trách nhiệm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên đang diễn ra với mức độ đáng báo động. Đề cập nạn “tham nhũng vặt, hối lộ” trong khu vực công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng, nhiều đại biểu cho rằng, công chức có thể tạo cớ yêu cầu thêm thủ tục hành chính để sách nhiễu, trì hoãn dẫn tới xã hội xuất hiện một loại lệ phí không thành văn, người dân không xa lạ với những thuật ngữ “làm luật”, “bôi trơn”, “chung chi”…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lưu ý không nên coi thường “tham nhũng vặt” vì nó tác động không nhỏ vào niềm tin của nhân dân, đạo đức xã hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, “Người tham nhũng ít nhìn thấy người tham nhũng nhiều rồi tha hóa theo. Người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập”. Chưa hết lo lắng và bức xúc, đại biểu nêu thực trạng tham nhũng còn diễn ra trong lĩnh vực giải quyết chế độ chính sách cho người nghèo, cho người có công, thương binh, liệt sĩ.
Các ý kiến của đại biểu QH tại hội trường đều bày tỏ tinh thần trách nhiệm cao, thái độ không khoan nhượng với nạn tham nhũng. Các đại biểu cũng chỉ ra việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức còn yếu. Thời gian qua, phần lớn các vụ tham nhũng bị phát hiện do tranh giành địa vị, chạy chọt chức vụ không thành, nội bộ mất đoàn kết, đơn thư tố cáo, dư luận xã hội lên án, QH lên tiếng, báo chí đưa tin, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kết luận, xử lý…
Trao đổi ý kiến các phóng viên báo chí bên lề hội trường, đại biểu QH cho rằng, thực tế kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản vẫn còn mang tính hình thức trong khi văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này lại thiếu. Thời gian tới, cần đổi mới để cơ chế kiểm soát được thực thi tốt hơn. Trước hết phải đề ra văn bản, trong quá trình thực hiện thấy điều gì chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung. Quan trọng hơn, là phải có biện pháp tổ chức thực hiện để đưa các nghị quyết, pháp luật vào cuộc sống.
Trong số những đề xuất, kiến nghị và sáng kiến PCTN được nêu tại cuộc thảo luận tuần qua, theo nhiều đại biểu QH, để từng bước hạn chế sơ hở trong cơ chế, chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, QH trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về PCTN, sắp tới cần sửa đổi Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; tiếp tục quan tâm điều chỉnh, xây dựng các luật liên quan quản lý cán bộ, công chức, kiểm soát thu nhập, tài sản… Những điều này đã và đang được cử tri, nhân dân cả nước hết sức quan tâm.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()